'Thủ phủ' sầu riêng bất chợt đón cơn mưa giữa cao điểm hạn mặn, nhà vườn hồ hởi như nhận được vàng

Đang quay cuồng trong nắng nóng khô hạn làm đảo lộn sinh hoạt, đe dọa năng suất cây trồng, bất ngờ vào tối 28/4, tại "thủ phủ" sầu riêng xuất khẩu thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) xuất hiện cơn mưa rào báo hiệu mùa mưa bắt đầu. Trận mưa kéo dài 30 phút khiến người dân phấn khởi vì sầu riêng thoát khô hạn.
sau-rieng-tien-giang-01-1714352169.jpg
Cơn mưa đầu mùa đem tới niềm vui cho người trồng sầu riêng ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang). (Ảnh minh họa)

Chiều tối 28/4, tại thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đã xuất hiện một cơn mưa nhỏ, kéo dài trong khoảng 30 phút. Đây cũng là cơn mưa đầu tiên trong mùa khô 2023-2024 tại thị xã Cai Lậy, trung tâm vùng trồng sầu riêng phía Tây tỉnh Tiền Giang. Cùng thời điểm này, tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, cách thị xã Cai Lậy khoảng 10km cũng có mưa nhưng nhỏ hơn.

Theo chị Dương Thúy Vân, canh tác 2.000m2 sầu riêng chuyên canh ở xã Cẩm Sơn, tuy mưa không lớn nhưng đã góp phần giải nhiệt cho vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu phía Tây của tỉnh, bà con hết sức phấn khởi.

Tỉnh Tiền Giang có hơn 21.000ha sầu riêng tập trung tại các huyện, thị phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy. Trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn 2023-2024, nhờ tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó nên nhìn chung cơ bản bảo vệ được vùng sản xuất trọng điểm, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, góp phần đổi mới nông nghiệp-nông thôn.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến vườn sầu riêng. Một số diện tích thiếu nước, bị suy kiệt hoặc bị cháy lá làm giảm năng suất… Trận mưa “vàng” buổi tối báo hiệu mùa mưa gần kề nên bà con vùng chuyên canh hết sức phấn khởi.

sau-rieng-tien-giang-03-1714352226.jpg
Từ đầu mùa khô, người trồng sầu riêng ở Tiền Giang đã áp dụng nhiều biện pháp trữ nước. (Ảnh minh họa)

Là địa phương có lợi thế về trái cây xuất khẩu, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn từ đầu mùa khô. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn, các địa phương phía Tây tỉnh đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt và chủ động.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, địa phương có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trên 11.000 ha, chủ yếu là sầu riêng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Trần Quốc Bình, huyện bám sát kế hoạch của UBND tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp địa phương, triển khai đến các xã và hộ dân, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Cai Lậy tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất kết hợp đắp các đập tạm ngăn mặn và triều cường tại các địa bàn trọng điểm.

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, xã đầu tư hơn 7 tỷ đồng đắp thêm 5 đập tạm đồng thời nạo vét các tuyến kênh nội đồng, sửa chữa các cửa cống trên tỉnh lộ, huyện lộ trong xã đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 1.500 ha vườn sầu riêng chuyên canh và các cây trồng có giá trị kinh tế khác.

sau-rieng-tien-giang-02-1714352262.jpg
Tỉnh Tiền Giang có hơn 21.000ha sầu riêng tập trung tại các huyện, thị phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy. (Ảnh minh họa)

Là địa bàn cù lao nằm trên sông Tiền, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Trần Văn Nhịn thông tin, địa phương triển khai đắp 16 đập ngăn mặn và triều cường với kinh phí gần 15 tỷ đồng bảo vệ gần 1.300 ha vườn cây ăn quả đặc sản; mặt khác sẽ vận hành 8 giếng khoan dự phòng khai thác nguồn nước ngầm tầng sâu kịp thời bồ sung nước tưới tiêu cho cây trồng khi nước mặt trên sông Tiền bị nhiễm mặn hoặc thiếu nguồn nước bơm tưới...

Các hộ nông dân cũng được khuyến cáo nạo vét ao mương vườn trữ ngọt phục vụ tưới tiêu phòng chống hạn mặn, áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn kết hợp xử lý cho trái rải vụ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp, các ngành hữu quan tập huấn, hướng dẫn ngay từ đầu mùa khô, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Tiền Giang, trong hai ngày (27-28/4), diễn biến nắng nóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất từ 35-37,5 độ C, độ ẩm thấp nhất dao động từ 40-50%.

Dự báo trong những ngày sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, địa bàn Tiền Giang có thể có mưa rào vào buổi tối. Nhìn chung, dự báo phải đến giữa tháng 5/2024, Nam Bộ mới chính thức bước vào mùa mưa 2024./.

Bình Nguyên