Bình Phước:

Trên 3.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và 10.170ha cây trồng bị khô hạn

Khô hạn kéo dài khiến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tăng cao. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3.195 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán trên địa bàn tỉnh là hơn 10.170 ha.
kho-han-o-binh-phuoc-02-1713704950.jpg
Tính đến ngày 20/4, mực nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường. (Ảnh minh họa)

Khô hạn ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp

Theo Trung tâm Quản lý Nước và Công trình Thủy lợi Bình Phước, tính đến ngày 20/4, mực nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, hồ Đa Bông Cua giảm 4,5m, hồ Bù Ka giảm 2,73m, hồ Bù Tam giảm 2,6m, hồ Đăk Tol và hồ Đăk Liên giảm 2,3m. Dung tích còn lại của các hồ chứa giảm 33,4% so với tổng dung tích, 8 hồ có dung tích còn lại dưới 50%. 

Hiện tại, mực nước các công trình thủy điện chính trên Sông Bé đều thấp hơn mực nước dâng bình thường. Cụ thể, công trình thủy điện Thác Mơ thấp hơn 6,11m; Cần Đơn thấp hơn 1,12m và Srok Phu Miêng thấp hơn 1,13m.

Khô hạn kéo dài khiến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tăng cao. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3.195 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

kho-han-o-binh-phuoc-04-1713704999.jpg
Theo ước tính, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Phước khoảng hơn 10.170 ha. (Ảnh minh họa)

Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: huy động xe chở nước miễn phí cho người dân, đào giếng mới, sử dụng nước giếng khoan dự trữ... Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân.

Khô hạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán trên địa bàn tỉnh là hơn 10.170 ha, trong đó cây ăn trái và cây lâu năm 7.962ha, cà phê 1.714ha, lúa 215ha, tiêu 146ha, cây hàng năm khác 135ha. Thiếu nước tưới khiến cây trồng cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh các giải pháp chủ động nguồn nước ứng phó khô hạn

Trước tình trạng khô hạn gay gắt, chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó, như tuyên truyền vận động người dân tiết kiệm nước; hỗ trợ người dân đào giếng mới, sửa chữa giếng cũ, nạo vét kênh mương; huy động máy bơm nước để tưới cây...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang xây dựng các công trình thủy lợi để điều tiết, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Các đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể và sử dụng theo thứ tự ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tại công văn chỉ đạo về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước trên địa bàn vừa ban hành mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.

kho-han-o-binh-phuoc-03-1713704938.jpg
Đoàn thanh niên phối hợp các lực lượng cấp nước sạch cho người dân ở Bình Phước. (Ảnh minh họa)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, xác định vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để xây dựng phương án sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên hơn 6.873km2 (lớn nhất khu vực Nam Bộ), là địa bàn chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Do đó, vào mùa khô hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cho nông nghiệp và sinh hoạt.

Bình Phước cũng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 616.000ha; là “thủ phủ” của cây điều (152.000ha, chiếm 50% diện tích điều của cả nước), có 244.000ha diện tích trồng cao su (lớn nhất cả nước); cây hồ tiêu 15.000ha.

Hàng năm, tình trạng khô hạn và thiếu nước gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn./.

Bình Nguyên