Thủ phủ mật mía nổi tiếng xứ Thanh đỏ lửa ngày giáp Tết

Nổi tiếng bởi độ ngọt thơm, màu sắc bắt mắt, mật mía Thạch Thành (Thanh Hóa) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thời gian đầu tháng chạp đến gần Tết Nguyên đán cũng là lúc các lái buôn từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến mua mật phục vụ cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Có mặt tại "thủ phủ" mật mía Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa những ngày cuối năm sẽ bắt gặp hình ảnh người làm mật tất bật chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nhâm Dần đang đến gần. Càng giáp Tết, các lò mật mía càng tranh thủ từng giờ từng phút, chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất.

Tiếng máy nghiền, ép mía hòa trong tiếng cười nói rộn ràng cả một vùng quê. Và cũng không thể không nhắc đến mùi thơm ngọt của mật mía quyện lẫn trong làn khói bốc lên từ các lò nấu mật khiến ai đến đây cũng không thể cầm lòng mua một vài chai mật mang về làm quà tặng người thân.

Là người gắn bó với nghề làm mật mía hơn 30 năm nay, anh Đỗ Văn Dương (khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) cho biết, tầm đầu tháng 12 âm lịch, mỗi ngày gia đình anh nấu 3 mẻ mật với khoảng 800 lít mật. Công việc của người làm mật bắt đầu từ 4 giờ sáng đến khoảng 9-10 giờ đêm.

Vào thời gian cao điểm này gia đình anh phải thuê thêm từ 4-5 người làm với tiền lương 250.000 đồng/ngày mới kịp các đơn hàng cho khách đặt. Vất vả là thế nhưng niềm vui mang lại cũng rất lớn, đó là mật cứ nấu xong đến đâu là có xe đến bốc đi lúc đó. Để chuẩn bị cho vụ mật Tết 2022, gia đình anh Dương đã đầu tư hệ thống máy nghiền mía, cải tiến lò nấu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Đỗ Văn Dương chia sẻ: “Nấu được một mẻ mật thành công thì hầu như khâu nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất chính là giữ lửa luôn đều, không quá to cũng không quá nhỏ và khi các chảo nấu mật bắt đầu sôi thì phải luôn tay hớt bọt, nếu hớt không sạch bọt thì mật sẽ không trong. Mỗi gia đình cũng sẽ có những bí kíp riêng để căn sao cho những mẻ mật đủ lửa, đủ thời gian, có như thế mật sẽ sánh vàng óng ả, để được cả năm trời mà không cần đến bất cứ một chất phụ gia nào khác."

Trước đây, mùa nấu mật mía bắt đầu vào đầu tháng 11 âm lịch cho đến đầu tháng 1 năm sau nhưng vài năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường ngày một tăng cao nên từ đầu tháng 8 âm lịch, các hộ làm mật ở Thạch Thành đã bắt đầu làm mật và tăng sản lượng vào dịp cuối năm.

Mật mía Thạch Thành thường có giá bán cao hơn sản phẩm mật ở các vùng khác và chỉ phục vụ tại chỗ, hoặc nhập cho các thương lái đem bán lẻ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện giá mật bán tại lò mật là 12.000-14.000đồng/kg (1kg mật tương đương 1,5 lít mật) và giá bán lẻ là 20.000-25.000đồng/kg.

mat-mia-240122-1643006638.jpeg
Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng đến khoảng 9-10 giờ đêm, gia đình anh Đỗ Văn Dương nấu 3 mẻ với khoảng 800 lít mật.

Luôn tay múc những gáo mật vàng au để chia ra các can 2 lít, 5 lít cho khách, anh Vũ Anh Tuấn (khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) vui vẻ khoe, đây là thời điểm người làm mật làm ra nhiều mật nhất và cũng là thời gian tiêu thụ mật mía lớn nhất năm. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng tiền lãi từ mật, mật làm ra cũng không phải đi đâu xa để bán mà có thương lái đến tận nơi để lấy mang đi tiêu thụ. Năm nay hầu hết các lò mật mía trong làng đều nấu nhiều hơn năm ngoái, nấu được bao nhiêu khách hàng lấy hết bấy nhiêu nên bà con làm mật rất phấn khởi.

Ông Hoàng Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cho biết, nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Tại thị trấn Kim Tân hiện có 20 lò đường mật, dự kiến vụ Tết 2022 này sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên dưới 200 tấn mật, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.

Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con trồng mía, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nên đời sống của người dân cũng được cải thiện nhiều hơn. Mật mía Thạch Thành đặc sánh, thơm ngon, màu sắc lại đẹp, bắt mắt nên người mua rất ưa chuộng. Hiện bà con làm mật ở Kim Tân nói riêng và huyện Thạch Thành nói chung rất mong các cấp tạo điều kiện cho các hộ đường mật có thủ tục giấy tờ mang nhãn hiệu riêng cho sản phẩm mật mía của địa phương.

Hiện mật mía Thạch Thành đang ngày càng phổ biến tại các vùng, miền trong cả nước. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mật mía theo các chuyến xe tới các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền Trung, miền Nam nơi đang có đông con em Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc.

Những giọt mật sáng mịn, ngọt ngào, thơm thoang thoảng như khỏa lấp bớt nỗi nhớ quê, nhớ Tết quê trong lòng những người con xa xứ. Trong nhiều gia đình ở xứ Thanh, xứ Nghệ, ngày Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vài hũ mật mía trong nhà bởi mật mía là nguyên liệu để nấu các món chè tiễn ông Táo về trời, làm bánh gai, bánh trôi, làm kẹo lạc, kẹo chè lam hay để chấm bánh chưng ngày Tết…

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Thành, Thanh Hóa khẳng định, toàn huyện Thạch Thành có 50 hộ sản xuất mật mía, sản lượng hàng năm giao động từ 1.000-1.200 tấn. Xác định đây là nghề truyền thống và có hiệu quả kinh tế cao nên huyện Thạch Thành đang có định hướng xây dựng mật mía trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho mật mía Thạch Thành, đưa sản phẩm mật mía tham gia chương trình OCOP... có như vậy, sản phẩm mật mía Thạch Thành mới có sự phát triển bền vững và giữ mãi được uy tín chất lượng vốn có của mình.

Thời gian tới, bên cạnh phát huy nội lực của địa phương và nhân dân, huyện sẽ có những đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có những chính sách thỏa đáng cho phát triển làng nghề. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để làng nghề tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Chính phủ trong việc khôi phục và phát triển làng nghề.

Rời thủ phủ mật mía xứ Thanh trong một chiều mưa bay nhè nhẹ, mùi mật thơm lừng vẫn như len lỏi trong từng ngõ ngách như xua bớt cái giá lạnh của những ngày cuối đông để đón chào một mùa xuân mới ngọt ngào, đầm ấm đang đến rất gần./.