Ngoài được thiên nhiên ưu đãi cho địa phương quả bưởi Phúc Trạch đặc sản, xã Phúc Trạch còn có một thế mạnh là cây dó trầm. Những năm qua, ngoài việc bán cây dó trầm, người dân địa phương đã học tập để chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm. Nhờ vậy, giá trị kinh tế của loại cây này càng được nâng cao.
Những ngày cuối năm, không khí sản xuất của những cơ sở chế tác sản phẩm từ dó trầm càng hối hả, khẩn trương hơn, để kịp cung ứng sản phẩm phục vụ thị trường dịp tết. Tại xã Phúc Trạch hầu như nhà nào cũng trồng dó trầm, đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu… của địa phương Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại đây đã đầu tư máy móc, nhân lực để chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm.
Chị Võ Thị Nga - cơ sở chế tác dó trầm Phúc Nga (thôn 8, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) cho biết: Các sản phẩm từ cây gió trầm được sản xuất và bán quanh năm. Tuy nhiên, giai đoạn gần Tết Nguyên đán nhu cầu tăng cao hơn. Do vậy, ngay từ tháng 6, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị hàng cho thị trường dịp tết. Từ cây dó, có thể làm được rất nhiều sản phẩm: hương trầm, cây cảnh, vòng trầm…
Với quan niệm chưng, sử dụng dó trầm để đưa lộc vào nhà, mang lại may mắn cho gia chủ. Do vậy, nhu cầu về các sản phẩm từ dó trầm những ngày tết ngày càng lớn. Những sản phẩm từ cây dó trầm không chỉ được bán ở thị trường trong nước mà còn được bán ra cả nước ngoài.
Chị Võ Thị Nga cho biết: Vòng trầm được sản xuất theo nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng. Giá cả cũng dao động trong khoảng từ 1-2 triệu đồng, có cái lên đến 300 triệu đồng. Chất lượng trầm cũng ảnh hưởng đến giá cả. Trầm nhân tạo có giá 15 triệu đồng/kg. Trầm tự nhiên có giá 25 - 40 triệu đồng/kg.
Anh Phạm Văn Vinh - Một cơ sở làm trầm hương chia sẻ: Nhờ mạng xã hội, tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh mà những sản phẩm từ dó trầm của địa phương chúng tôi được khách hàng biết đến nhiều hơn. Càng về cuối năm chúng tôi phải làm nhiều hơn do lượng khách đặt hàng nhiều. Tại các cơ sở sản xuất những gốc trầm chế tác lạ mắt, đa dang kích cỡ, kỳ thú được trưng bày để khách lựa chọn.
Chị Nga cho biết: Dịp Tết Nguyên đán, người mua các sản phẩm từ dó trầm nhiều. Có ngày, cơ sở của chị bán được cả trăm triệu đồng. Chế tác dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 - 100 triệu đồng trong khi cây gia bảo có giá nửa tỷ đồng. Do vậy, người nhà và 5 công nhân làm việc hết công suất tại xưởng rồi còn mang việc về nhà để làm.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Việt - Phó chủ tịch hội nông dân xã Phúc Trạch nói: Những năm gần đây, những sản phẩm từ cây dó trầm được người dân địa phương làm ra nhiều hơn. Vừa tạo công ăn việc làm cho người địa phương, vừa tăng giá trị cho cây dó trầm. Những sản phẩm này là sản phẩm OCOP của địa phương./.