Thị trường năng lượng ghi nhận chuỗi tuần tăng giá ấn tượng

Giá dầu thế giới ổn định quanh mức cao của ba năm trong phiên 15/10, chủ yếu nhờ dự báo nguồn cung sẽ còn thâm hụt trong vài tháng tới khi việc nới lỏng các hạn chế đi lại trong mùa dịch sẽ đẩy nhu cầu năng lượng tăng cao.
than30921-1634365505.jpg
Thị trường năng lượng ghi nhận chuỗi tuần tăng giá ấn tượng

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2021 tăng 97 xu (tương đương 1,2%) lên 82,28 USD/thùng. Dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 86 xu (1%) lên 84,86 USD/thùng sau khi đã có lúc đạt mức cao nhất vào cùng phiên là trên 85 USD/thùng.
Một yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phiên này là việc Nhà Trắng thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại được áp đặt để chống dịch COVID-19 đối với công dân nước ngoài được tiêm chủng đầy đủ. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 8/11, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Trong khi đó, sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ dầu tại Mỹ và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được cho là sẽ khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Trong tuần này, vấn đề về nguồn cung cũng như nhu cầu về năng lượng và khí đốt là yếu tố chính ảnh hưởng tới các diễn biến trên thị trường năng lượng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần 11/10, giá dầu thế giới đi lên và chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu đang phục hồi dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng và khí đốt nghiêm trọng tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tiến 1,5% lên 83,65 USD/thùng, sau khi đã lập mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 84,60 USD/thùng trước đó cùng phiên. Giá dầu WTI giao kỳ hạn cũng tăng 1,5% lên 80,52 USD/thùng.
Sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều năm, giá dầu thế giới ổn định trong phiên 12/10 và đà tăng tạm chững lại khi có những lo ngại rằng chi phí năng lượng cao có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 23 xu xuống 83,42 USD/thùng. Giá dầu WTI lại tăng 12 xu lên 80,64 USD/thùng, sau khi dao động trong khoảng từ 81,62 USD/thùng xuống 79,47 USD/thùng.
Trong phiên 13/10, giá dầu thế giới giảm khoảng 0,3% trước những lo ngại rằng nhu cầu dầu thô sẽ tăng chậm lại. Giá dầu Brent giảm 24 xu xuống 83,18 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 20 xu và đóng phiên ở mức 80,44 USD/thùng. Giới phân tích cho biết nhiều nhà giao dịch có thể đã chốt lời với dầu thô Mỹ sau khi giá dầu WTI kỳ hạn đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 trong ba phiên vừa qua.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên 14/10, sau khi nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia bác bỏ lời kêu gọi bổ sung nguồn cung dầu cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+). Giá dầu WTI tăng 87 xu Mỹ và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong 7 năm là 81,31 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tiến 82 xu Mỹ lên 84 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tính chung trên cả tuần, giá dầu Brent đã tăng 3%, đánh dấu tuần tăng thứ tám liên tiếp. Đây là chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 30/4/1999 theo trung tâm dữ liệu thị trường Dow Jones.
Giá dầu WTI tiến khoảng 3,7% trong tuần qua và cũng là tuần tăng thứ tám liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất của loại dầu kể từ tuần kết thúc vào ngày 20/8/2004.
Ông Manish Raj, một quản lý cấp cao tại công ty năng lượng Velandera Energy Partners dự báo giá dầu trong tháng tới sẽ “thử sức ở mức 90 USD/thùng hoặc cao hơn”. Ông nhấn mạnh chừng nào tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên vẫn còn kéo dài ở châu Âu và châu Á, chừng đó giá dầu thô còn tiếp tục tăng.
Theo chuyên gia này, ngay cả khi giá dầu tăng trên 100 USD/thùng, “vàng đen” vẫn sẽ rẻ hơn hơn khí đốt tự nhiên và tạo áp lực tăng cho giá loại nhiên liệu này.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết sẽ cần một số sự kiện đồng thời xảy ra để làm trật nhịp đà tăng giá dầu hiện tại. Chúng bao gồm OPEC + bất ngờ tăng sản lượng, thời tiết ấm áp ở Bắc Bán cầu và nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khai thác nguồn dự trữ dầu chiến lược.
Còn ông Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank đánh giá ngay cả khi sản lượng dầu tiếp tục tăng theo kế hoạch trong những tháng tới, nguồn cung cho thị trường sẽ vẫn không đủ với mức thiếu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong quý IV/2021.