Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực từ nhà đầu tư trong nước

Trong 9 tháng của năm 2021, chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp lập được các kỷ lục cả về thanh khoản lẫn điểm số nhờ vào nhà đầu tư nội, trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại liên tiếp bán ròng.

*Khối ngoại bán ròng gần 2 tỷ USD

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, khối ngoại đã bán ròng gần 2 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức bán ròng trong năm 2020.

Trong tháng 9, khối ngoại bán ròng gần 348 triệu USD; trong đó, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF và quỹ DCVFMVN Diamond ETF bị rút ròng mạnh nhất, tương ứng khoảng hơn 57 triệu USD và gần 44 triệu USD. 

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 9 gồm: VIC với gần 2,5 nghìn tỷ đồng, VHM bị bán ròng gần 2 nghìn tỷ đồng và HPG là gần 1 nghìn tỷ đồng.

Theo chuyên viên phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) Thái Thị Việt Trinh, dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục) rút ròng gần 2.300 tỷ đồng trong tháng 9, đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua.

Đáng chú ý là tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều rơi vào trạng thái bị rút ròng; trong đó, lực rút mạnh diễn ra ở cả nhóm quỹ ngoại FTSE ETF với 1.275 tỷ đồng, quỹ Fubon ETF bị rút ròng 153 tỷ đồng và VanEck ETF là 22 tỷ đồng.

Tính chung cho quý III/2021, dòng vốn ETF vẫn duy trì mua ròng khoảng 300 tỷ đồng, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với 2 quý trước đó. Cụ thể, quý I và quý II dòng vốn ETF mua ròng  lần lượt là 2,7 và 8,2 nghìn tỷ đồng.

Các quỹ chủ động rút ròng tháng thứ 4 liên tiếp. Tương tự diễn biễn từ các quỹ ETF, các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 9 là 700 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng năm 2021, các quỹ chủ động đã rút ra khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng, lớn thứ 3 trong khu vực chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. 

screen-shot-2021-09-14-at-18-05-47-1633618683.png
Khối ngoại bán ròng nhiều công ty có vốn hóa lớn (ảnh:VNeconomy)

Bà Trinh cho rằng, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. 

Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua. Xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số. 

Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá... Do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của  khối ngoại trong giai đoạn này, bà Trinh nhận định.

Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), trong khu vực châu Á, dòng vốn ngoại đã trở lại với nhiều thị trường trong tháng 9 như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Malaysia; ngược lại Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines bị bán ròng.  Lũy kế từ đầu năm, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia thu hút được dòng vốn ngoại lần lượt là 8,5 tỷ USD và 1,9 tỷ USD, các thị trường châu Á đều bị bán ròng.

Chuyên viên phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) Thái Thị Việt Trinh cho biết, dù hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ hồi phục trong tháng 10/2021, khi Chính phủ đã và đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế, SSI đánh giá dòng tiền đầu tư vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn. 

“Nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong giai đoạn năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022”, bà Trinh nêu quan điểm.

*Giao dịch sôi động từ nhà đầu tư trong nước

Theo SSI, tháng 9, giá trị giao dịch trên HOSE qua kênh khớp lệnh đạt bình quân 19,4 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 10,7% so với tháng 8. Ở quy mô rổ VN30, chỉ tiêu này đạt tương ứng 7,9 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 26,2%. Điều này cho thấy thanh khoản đã gia tăng ở nhóm vốn hóa thấp hơn và diễn biến này cũng phù hợp với trạng thái đi ngang của thị trường. 

Lũy kế 9 tháng của năm 2021, thanh khoản trên HOSE vẫn duy trì ở mức cao với tăng trưởng giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân tương ứng 355% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 246% so với mức bình quân cả năm 2020. 

Thanh khoản gia tăng nhờ giao dịch sôi động từ các nhóm nhà đầu tư trong nước khi tỷ trọng giao dịch của khối ngoại thu hẹp chỉ còn 7,4% từ mức 11,1% ở năm 2020, SSI thông tin.

Thực tế, 9 tháng năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 957.215 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (837.345 tài khoản).

Tính tới cuối tháng 9, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,7 triệu đơn vị, tương đương 3,8% dân số cả nước.

anh-chup-man-hinh-2021-10-07-luc-220009-1633618861.png
Nhà đầu tư trong nước thu hẹp khoảng cách đầu tư so với khối ngoại

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn là thị trường cận biên (frontier market), có nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh số tài khoản còn thấp và nhà đầu tư cá nhân chiếm xấp xỉ 99% số lượng tài khoản.

Do đó, MBS kỳ vọng số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt giữa bối cảnh tỷ lệ số lượng tài khoản/dân số còn ở ngưỡng thấp. 

MBS cho biết, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chạm đỉnh cao kỷ lục trong tháng 6/2021, đạt 140.054 tài khoản, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng gia tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân gần đây tại Việt Nam có nét tương đồng với giai đoạn cuối năm 2014 tại Trung Quốc khi số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân hàng tháng tăng gấp 2-7 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Sau khi số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới trên thị trường Trung Quốc đạt đỉnh vào quý II/2015, số lượng tài khoản mở mới đã sụt giảm cùng nhịp điều chỉnh sâu của chỉ số Shanghai Composite Index. Tuy nhiên, bình quân số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân giai đoạn 2015-2020 vẫn cao gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2010-2015.

Ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong thời gian tới, được hỗ trợ từ môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì. 

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch thì Chính phủ có thể tiếp tục các chính sách tiền tệ nới lỏng và thực hiện các biện pháp thúc đẩy đầu tư công. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng phát triển, vì vậy nhiều khả năng dòng tiền “F0” (thuật ngữ “F0” được giới đầu tư đặt cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ năm 2020 - năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát) vẫn tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, có thể thấy tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới những tháng qua đạt rất cao, vì vậy số lượng tài khoản mở mới trong những tháng tới có thể giảm, nhưng sẽ vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng của thị trường chứng khoán những tháng tới đây dự báo khó dần và mức độ không còn lớn bằng giai đoạn trước. 

Thanh khoản trên thị trường có thể suy giảm để trở về mức cân bằng hơn, chứ không tăng “nóng” như giai đoạn trước, ông Bách nhận định.

Thực tế giai đoạn vừa qua, một số doanh nghiệp lớn như ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu và một lượng tiền tương đối lớn trên thị trường mua số cổ phiếu này. 

Cổ phiếu phát hành thêm thường quy định sau một khoảng thời gian mới được phép giao dịch (thời gian cụ thể thì tùy mỗi công ty phát hành cổ phiếu). Vì vậy, thanh khoản hằng ngày có thể suy giảm so với giai đoạn trước.

Trong quý IV/2021, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành có thể hút thêm một lượng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, khiến thanh khoản bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại thì một phần dòng tiền từ các doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ rút ra để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Thực tế, thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý “dè dặt” hơn của nhà đầu tư trước khi nới lỏng giãn cách xã hội. Giá trị khớp lệnh bình quân sụt giảm hơn 10% trong tháng 9/2021 so với tháng trước đó, xuống còn hơn 19 nghìn tỷ đồng/ngày. 

Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, trái ngược với trạng thái bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước, nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, bình quân có trên 100 nghìn tài khoản mở mới mỗi tháng bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước. 

“Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, chúng tôi kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán trong thời gian tới”, Mirae Asset (Việt Nam) nhận định./.