Thị trường căn hộ giảm giá bán, đà giảm quay về đúng giá trị thực

Trước áp lực về thanh khoản có xu hướng giảm thấp, các chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư thứ cấp đã quay đầu giảm giá bán, mức giảm có thể lên tới 50%. Nói cách khác, giá bán căn hộ đang đà giảm quay về đúng giá trị thực. Chuyên gia cho rằng, để kích thích thanh khoản trở lại, nhà đầu tư cần cân nhắc giá bất động sản để phù hợp với túi tiền của người dân.

Theo ghi nhận tại sàn giao dịch batdongsan.com.vn, lượng tin rao bán căn hộ đang điều chỉnh giảm giá bán từ 10 - 15%, tương đương mức giảm từ 200 - 300 triệu đồng/căn. Trong tháng 11, các tỉnh phía Nam chỉ có TP.HCM và Bình Dương bán dự án mới và tiêu thụ được 213 căn, bằng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường sơ cấp, các dự án đưa ra chính sách chiết khấu thanh toán lên đến 40 - 50% giá trị. Còn về thanh khoản thứ cấp, giá bán ghi nhận giảm 3 - 5% so với tháng trước.

Đại diện DKRA Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm là do giá bán liên tục tăng cao trong 5 năm qua. Nguồn cung căn hộ lại có sự chênh lệch rất lớn, khi nghiêng về phân khúc cao cấp, hạng sang.

Trong khi, nhà đầu tư chiếm đến 70% lượng tiêu thụ và thường dùng đòn bẩy tài chính nên thị trường có biến động thì hiện tượng bán giảm giá sẽ diễn ra nhanh chóng. "Mặt bằng giá hiện tại đã tăng 2 - 3 lần so với giai đoạn 2014 - 2015 thì việc giảm giá của thị trường hiện tại từ 30 - 50% phần nào đó sẽ làm cho mặt bằng giá quay lại mặt bằng giá thực và giúp cho người mua, đặc biệt là nhu cầu ở thực dễ tiếp cận hơn đối với bất động sản trong giai đoạn này", ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá: "Có một xu thế trong các doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản doanh nghiệp đã giảm giá bán, tăng chiết khấu. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội người có nhu cầu thực có thể tìm kiếm được sản phẩm mà trước đây ngoài tầm với của mình".

Các chuyên gia dự báo, làn sóng bán cắt lỗ căn hộ ở thị trường thứ cấp sẽ lan rộng sang năm 2023, đặc biệt là các dự án đang xây dựng, hình thành trong tương lai. Với việc tái cấu trúc doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, điều này cũng giúp nguồn cung căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực với mức giá hợp lý sẽ quay lại thị trường.

nha-chng-cu-5733-1671457810.jpg
Ảnh minh họa.

Đã đến lúc phải giảm giá bất động sản

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha, khi giỏ hàng chiếm đa phần là các sản phẩm không phù hợp với túi tiền của người dân. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm mạnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết các sản phẩm tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay đều nằm ở phân khúc cao cấp, các sản phẩm này không có tính chất thanh khoản cao bởi không phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng hiện nay.

“Thay vì những căn hộ có giá khoảng 6 – 7 tỷ đồng, nếu chúng ta có những sản phẩm tầm khoảng 2 – 3 tỷ đồng thì chắc chắn, chỉ trong một ngày mở bán, các sản phẩm này gần như sẽ không còn. Thực tế hiện nay, bởi nhu cầu của thị trường của người dân rất cao và người dân đang chuẩn bị sẵn những nguồn lực để mua nhà, cùng với đó, rất nhiều các nhà đầu tư cũng vậy, họ vẫn trực chờ để tìm những sản phẩm có giá trị thích hợp có hiệu quả để có thể đưa tiền ra thị trường…”, ông Đính chia sẻ.

Theo ông Đính, nhìn vào bài học trước đó từ gói 30.000 tỷ đồng, tại thời điểm đó con số 30.000 tỷ đồng so với thị trường là không thấm vào đâu. Tuy nhiên, chính sách này đã kích cầu rất nhiều dự án được chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. “Chính sách không tác động trực tiếp về mặt thanh khoản, nhưng đã đem lại những hướng đi mới của thị trường, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và nhu cầu thực tế”, ông Đính cho hay.

Theo vị chuyên gia này, vừa qua trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng những từ rất mạnh như: khẩn trương, làm ngay,… đây là tính quyết liệt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đem đến những điểm sáng cho thị trường.

“Chúng ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng 2013 - 2016 từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ, vì vậy, đối với giai đoạn hiện nay, tinh thần quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cần phải được lan tỏa đến các bộ ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc mới có thể khơi thông được điểm nghẽn của thị trường hiện nay”, ông Đính nói.

Thực tế thị trường hiện nay, theo tính toán còn khoảng 1.000 dự án trên cả nước đang gặp điểm nghẽn về pháp lý mà chưa thể đưa vào thị trường được, tổng số giá trị của 1000 dự án tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng.

“Số tồn đọng này, nếu không được khơi thông sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại nếu có thể nhanh chóng khơi thông được sẽ cùng một lúc giải quyết không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cùng tăng trưởng. Hy vọng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa qua sẽ tạo ra sự lan tỏa như bài học về gói 30.000 tỷ giai đoạn khủng hoảng 2013 - 2016”, ông Đính kỳ vọng.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự vẫn đang chờ đợi, nhưng cũng có những người muốn có nhà ở ngay đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua.

“Nhu cầu thực được cho là điểm sáng tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng. Mặc dù vậy, để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp”, ông Tuấn đưa quan điểm.

Thi Nguyên (t/h)