Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây đã công bố triển khai gói cho vay khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác với lãi suất từ 6%/năm.
Theo đó, khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân (nếu có) của khoản vay cũ và phù hợp với quy định của Agribank.
Mức lãi suất ưu đãi được Agribank đưa ra là 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Về tài sản thế chấp, khách hàng vay sẽ được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay, như bất động sản, số dư tiền gửi, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Như vậy, với quyết định này, Agribank là ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 công bố triển khai chương trình cho vay đảo nợ từ ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn.
Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tung ra gói vay theo chương trình này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm. Cụ thể, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.
BIDV cũng tung ra gói cho vay tương tự, với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên.
VietinBank sau đó thậm chí còn tung ra gói cho vay với lãi suất cạnh tranh hơn, chỉ từ 5,6%/năm, áp dụng cho vay sản xuất kinh doanh và chỉ từ 7,5% với cho vay tiêu dùng.
Việc một số ngân hàng lớn quyết định đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi để trả nợ trước hạn ngân hàng khác được kỳ vọng sẽ giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí rẻ hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy để có thể đảo nợ với lãi suất thấp hơn là điều không thực sự dễ dàng.
Nguyên nhân là do phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản bảo đảm, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản bảo đảm tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản bảo đảm để đi vay tại ngân hàng mới.
Ngoài ra, thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1% - 3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1 – 5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ.
Song song, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản bảo đảm là khác nhau giữa các ngân hàng. Do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.
Trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay vẫn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.