Tháo gỡ khó khăn để ngân hàng xanh phát triển

Cùng với xu thế của thế giới, hệ thống ngân hàng thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.
ngan-hang-xanh-1696500495.jpg
Tháo gỡ khó khăn để ngân hàng xanh phát triển. Ảnh minh họa

Hiện nay, xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

Trong đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Tính đến ngày 30/6/2023, đã có 43 tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 527.947 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 5,48% so với cuối năm 2022, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 45% tổng dư nợ tín dụng xanh), nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh).

Giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 22,98%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Tại tọa đàm “Ngân hàng xanh - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ một số khó khăn trong thực tế triển khai tín dụng xanh như hiện nay Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay.

Để phát triển tín dụng xanh, ông Trần Anh Quý cho rằng, cần hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-Ngân hàng Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ.

Tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả. Đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.