Theo đó, đối với lĩnh vực khoáng sản, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định; 06 Quyết định và 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 62 Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong công tác bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản.
Về công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thời gian qua đã tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật liên quan, đồng thời tuân thủ theo đúng các quy hoạch về khoáng sản.
Cụ thể, ở Trung ương, trước năm 2010, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 13 Quy hoạch khoáng sản với 36 loại loại khoáng sản; từ năm 2010 đến nay, Bộ Công Thương lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 07 quy hoạch khoáng sản (trong đó, thay thế quy hoạch đã lập và phê duyệt trong giai đoạn trước đó). Ở địa phương: đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt (có điều chỉnh, bổ sung) hơn 100 quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 100%.
Về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã) cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các Điều (từ Điều 16 đến Điều 20); quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết tại các Điều 17, Điều 18 và Điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Về xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến hoạt động khoáng sản đều đã được quy định rất cụ thể và có mức độ răn đe rất cao, nhất là đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép hoặc không đúng nội dung Giấy phép mà thu lợi bất chính; tùy theo mức độ vi phạm ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ còn bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như vậy, công tác quản lý, cấp phép và bảo vệ khoáng sản đều đã được thể chế trong các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và không có việc cấp phép hoạt động khoáng sản mà không có quy hoạch khoáng sản được phê duyệt; cấp phép vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản./.