Thanh Hóa phát huy nguồn lực dịch vụ môi trường rừng gia tăng sinh kế người trồng rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân.
chi-tra-moi-truong-1718867097.jpg
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng.

Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.

Chính sách chi trả DVMTR giúp nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại.

Tại Thanh Hóa, những năm qua, việc triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, nhiều hộ dân miền núi đã kết hợp thực hiện các mô hình sinh kế dưới tán rừng để tạo thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, giai đoạn 2012-2024, quỹ bảo vệ phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh đã thu được 148 tỷ đồng. Hàng năm đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cho 22 chủ rừng tổ chức; 516 cộng đồng dân cư thôn bản và trên 2.500 hộ gia đình cá nhân. Kinh phí hàng năm chi trả trên 30 tỷ đồng, với diện tích trên 400.000 ha tại 9 huyện miền núi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng quản lý quỹ bảo vệ phát triển rừng, Ban quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi thí điểm chi trả với kinh phí hỗ trợ chi trả trên 50 tỷ đồng cho các chủ rừng, quản lý rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, đối với công tác trồng rừng thay thế chúng tôi kịp thời giải ngân đối với chủ dừng, chủ dự án nộp tiền về quỹ tỉnh. Có thể nói, nguồn thu quỹ bảo vệ rừng và phòng chống thiên tai là ổn định cho công tác bảo vệ rừng, giảm áp lực ngân sách nhà nước thời gian tới".

Việc được chi trả kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã giúp nhiều địa phương miền núi có thêm nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ dân đã được tạo sinh kế, có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, tiếp tục tham gia hiệu quả hơn vảo bảo vệ rừng.

Lê Công Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Bến En cho biết: "Người dân biết được việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng nên người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. Hiện nay trên địa bàn các thông vùng đệm đã thành lập được 12 tổ đội bảo vệ rừng với hơn 300 người tham gia là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng. Nhờ chính sách dịch vụ môi trường rừng nên trong những năm vừa qua diện tích rừng của huyện đã được duy trì và phát triển rất tốt”.

Trong các năm qua bình quân mức chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá luôn đạt 150.000 đồng/ha rừng/năm, lưu vực cao nhất 300.000 đồng/ha, lưu vực thấp nhất 20.000 đồng/ha. Việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đã và đang góp phần đảm bảo an ninh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm áp lực ngân sách nhà nước đối với việc phát triển rừng, đồng thời nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng thay thế được 7.600 ha. Toàn bộ diện tích rừng thay thế đang được chăm sóc, bảo vệ, cây sinh trưởng, phát triển tốt./.

Hà Khải