Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-UBND phê duyệt diện tích, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023; kế hoạch chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thu được năm 2023 và Dự toán chi phí quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2024.
Cụ thể, tổng số tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chủ rừng) trên địa bàn tỉnh gần 3,4 tỷ đồng, theo từng lưu vực. Cụ thể, lưu vực đầu nguồn sông Thương (huyện Yên Thế) gần 2 tỷ đồng (mức chi trả bình quân hơn 366 nghìn đồng/ha). Lưu vực hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn) hơn 1 tỷ đồng (mức chi trả bình quân hơn 117 nghìn đồng/ha). Lưu vực huyện Sơn Động gần 400 triệu đồng (mức chi trả bình quân hơn 132 nghìn đồng/ha).
Về hình thức chi trả, bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng tổ chức, thực hiện chi trả quả tài khoản ngân hàng. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư chi trả bằng tiền mặt.
Bưu điện tỉnh Bắc giang là đơn vị hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn tỉnh.
Quyết định cũng yêu cầu Bưu điện tỉnh tiếp nhận nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (số tiền thu được của năm 2023) và trực tiếp thanh toán đầy đủ cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế xong trước ngày 01/6/2024, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện việc chi trả, quản lý, sử dụng tiền thu dịch vụ môi trường rừng của những năm tiếp theo đúng quy định hiện hành.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bắc Giang thành lập nhằm mục đích huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của ngững người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh./.