Tỉnh Gia Lai hiện có gần 470.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng thông qua nhận khoán và bảo vệ.
Rừng phòng hộ Hra, huyện Mang Yang có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 14.000 ha; trong đó, hơn 10.000 ha là rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ cao và giá trị. Theo chia sẻ của Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hra Nguyễn Văn Chín, rừng của đơn vị được giao quản lý gần Quốc lộ 19 và ngay cạnh với nương rẫy của người dân nên việc bảo vệ rừng có giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện giao khoán hơn 6.400 ha rừng cho 376 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Bahnar của 12 cộng đồng người dân sống gần rừng, hiệu quả bảo vệ rừng được nâng cao rõ rệt. Cụ thể, người dân được giáo khoán có nguồn thu nhập ổn định, từ đó cộng đồng trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy và tuần tra ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Làng Kon Chrah là 1 trong 12 cộng đồng được Ban quản lý Rừng phòng hộ Hra giao khoán, bảo vệ gần 1.000 ha rừng. Nhờ được giao khoán, bảo vệ nên mỗi hộ dân trong làng trung bình có thêm thu nhập gần 10 triệu đồng/năm, giúp cải thiện cuộc sống và khuyến khích người dân gắn bó với rừng.Ông Băk, một người dân làng Kon Chrah cho biết, cứ 6 tháng một lần, dân làng chúng tôi được nhận tiền khoán bảo vệ rừng nên cuộc sống cũng đỡ khó hơn, có thêm chi phí để tăng gia sản xuất xóa đói, giảm nghèo.
Từ khi có nguồn thu nhập ổn định này, người dân trong làng đã thay đổi tập tục sống không còn khai thác cây rừng về làm nhà hay phát rừng làm rẫy như trước đây nữa. Nếu phát hiện có người phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép trong khu vực, chúng tôi lập tức báo ngay cho cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Xuân Thưởng, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai khẳng định, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng rõ ràng chúng ta đã huy động được một lực lượng lớn trong dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử chỉ cần 10.600 người dân đã được giao khoán nhận thức đúng, không phá rừng là một thành công lớn, chưa nói đến họ còn là tai mắt giúp chính quyền và chủ rừng ngăn chặn các đối tượng vi phạm rừng.
Ngoài ra, kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng cũng cơ bản đáp ứng được một phần thu nhập cho người dân cải thiện cuộc sống, cải thiện hoạt động sản xuất cũng như giải quyết tức thời khó khăn trong từng hộ dân góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Gia Lai đã có 123.000 ha rừng được giao cho trên 10.600 hộ dân tại các cộng đồng dân cư, chủ yếu là người đồng bào thiểu số Jrai, Bahnar sinh sống gần rừng bảo vệ. Việc chi trả kinh phí giao khoán, bảo vệ rừng có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương.
Bởi đây là nguồn lực ổn định hỗ trợ bà con trang trải cuộc sống hàng ngày, tăng gia sản xuất. Đời sống người dân được nâng lên, sẽ giảm phụ thuộc vào rừng, qua đó góp phần bảo vệ rừng bền vững./.