Thanh Hóa cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 2: Nỗ lực khắc phục bất cập trong quá trình khai thác hải sản

Với sự nỗ lực tuyên truyền của các cấp, cùng với chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhận thức của ngư dân đã thay đổi, chuyển từ đánh bắt tự nhiên, tận diệt sang khai thác có trách nhiệm, phát triển bền vững
go-bo-the-vang1-1698851828.jpg
Đến thời điểm hiện tại tất cả các tàu tham gia khai thác cá ở vùng khơi tại Thanh Hóa đã lắp đặt hệ thống định vị (VMS)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Dù EU có bỏ thẻ vàng hay không thì chúng ta vẫn phải làm vì trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, với môi trường, với nghĩa vụ quốc tế. Chúng ta vẫn phải làm để tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi công ăn việc làm, bảo vệ môi trường biển, tăng cường nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm bớt đánh bắt, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực thi pháp luật cũng như bảo vệ môi trường, rồi tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng và tuân thủ luật pháp theo quy định của đất nước ta cũng như của quốc tế"

Khó khăn trong khâu sử dụng công nghệ

Trong những năm qua, thực hiện nghiêm các quy định cuả chính phủ về đề án khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong việc khắc phục những tồn tại trong khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định.  Từ đó, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cho ngư dân hiểu rõ, từ đó nâng cao nhận thức trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản.

go-bo-the-vang2-1698852095.jpg
Cán bộ Cảng cá Lạch Hới hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký theo đúng quy định.

Do ngư dân đã quen với cách đánh bắt tận diệt bằng các hình thức giã cào bay dẫn đến tình trạng ngư trường cạn kiệt, cho nên đây là việc bắt buộc thực hiện trong thời gian sớm nhất. Đây là nghề đánh bắt mang tính tận diệt và phá hủy môi trường tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển. Vì vậy cần tuyên truyền để ngư dân hiểu, thay đổi nhận thức từ thác một cách tự nhiên sang một ngành kinh tế biển có trách nhiệm, phát triển bền vững theo chuỗi, trước hết cần có nhận thức đúng.

Đối với những chủ tàu cá có chiều dài lớn hơn 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định, Chi cục Thủy Sản Thanh Hóa cùng với Bộ đội biên phòng và chính quyền các xã có tàu cá đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chủ tàu sử dụng thiết bị (VMS) theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng mất kết nối quá 10h.

Đặc biệt, Ban quản lý các cảng cá cũng thường xuyên tập huấn cho chủ tàu ghi chép hành trình đánh bắt trong sổ nhật ký. Từ đó việc theo dõi, giám sát thuận lợi hơn. Tránh tình trạng nhật ký với thực tế lệch nhau dẫn đến những vi phạm không đáng có phải xử lý theo quy định.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn cho biết: “Sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, đến nay, 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình. Ngoài ra, nhận thức của ngư dân đã được nâng cao, không còn tình trạng tàu cá đánh bắt ngoài phạm vi lãnh hải, việc ghi chép nhật ký đánh bắt của chủ tàu cũng được thực hiện một cách nghiêm túc”.

Cũng theo ông Thăng, hiện nay, tại Thanh Hóa vẫn có một số trường hợp tàu cá bị mất kết nối trong quá trình đánh bắt mà nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chủ tàu chưa thể làm chủ được công nghệ, mặt khác do thuê bao hết hạn, vẫn chưa được đăng ký, hoặc bị sét đánh dẫn đến hư hỏng…

“Khi theo dõi, giám sát hành trình, nếu phát hiện trường hợp tàu mất kết nối, chúng tôi sẽ liên lạc ngay bằng bộ đàm để nắm tình hình, đồng thời thông báo cho Bộ đội biên phòng để có phương án xử lý, hỗ trợ ngư dân. Không để xảy ra tình trạng ngư dân tự tắt thiết bị để đánh bắt hải sản tại các vùng cấm”. Ông Thăng cho biết thêm.

go-bo-the-vang-1698852171.jpg
Công việc kiểm tra, so sánh nhật ký ghi chép của chủ tàu cá với hệ thống theo dõi qua định vị được cán bộ, nhân viên cảng cá Lạch Hới thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Không chỉ khó khăn trong việc xử dụng công nghệ, đa phần, các chủ tàu cá đều gặp không ít khó khăn trong việc ghi chép nhật ký, do học vấn thấp, với lại sóng biển cao. Có thể họ nhớ rất rõ quá trình khai thác tại các tọa độ khác nhau, nhưng để chuyển hóa thông tin đó vào giấy tờ thì đa phần các chủ tàu đều gặp khó khăn.

Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Trình độ ngư dân thì thấp, nên việc ghi chép nhật ký khai thác đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho ngư dân trong việc ghi chép, chính quyền xã đã có kiến nghị với các cấp tới đây thiếp lập hệ thống ghi chép điện tử, qua đó ngư đân thực hiện nhanh hơn, và đơn vị theo dõi cũng dễ dàng tiếp cận”.

Phát huy hiệu quả đội tàu, thuyền đoàn kết

Các mô hình tổ, đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản liên kết trên biển được thành lập theo nguyên tắc cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và cùng gia đình, dòng họ, bạn bè. Hợp tác sản xuất theo phương thức tự nguyện, ưu điểm của các mô hình liên kết đánh bắt, sản xuất trên biển là đã tạo được sức mạnh trong khai thác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.

Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ, đội còn chia nhau trách nhiệm vào bờ bán sản phẩm chung cho cả tổ, đội, để giảm thời gian bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm; đồng thời, khi trở lại ngư trường sẽ tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho các tàu đang khai thác trên biển. Cách làm này vừa giúp giảm rủi ro trên biển, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Mô hình đội tàu cá đoàn kết trong những năm qua được các ngư dân ở Thanh Hóa áp dụng và vận hành hiệu quả. Trong quá trình khai thác, đánh bắt cá ngoài khơi, các tổ tàu thường xuyên liên lạc, hỗ trợ nhau về nhu yếu phẩm cũng như trong quá trình đánh bắt.

Ngư dân Viên Đình Sĩ, trú tại TP Sầm Sơn cho biết: “Ngư dân chúng tôi khi ra khơi đánh cá thường sinh hoạt trong tổ tàu đoàn kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Từ những việc nhỏ như gỡ lưới đến cung cấp nước ngọt, đá lạnh cho nhau. Nhưng ngày nay, nguồn hải sản cũng bắt đầu khan hiếm, dẫn đến việc nhiều chuyến tàu không đủ tiền dầu. Tới đây chúng tôi sẽ đề xuất hợp tác để đội tàu đoàn kết phát huy hiệu quả hơn. Trong đó sẽ để 1 đến 2 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế  nhu yếu phẩm, các tàu  còn lại sẽ tập trung đánh bắt. Có như vậy mới đảm bảo được nguồn thu nhập mà tàu cá cũng không sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt”.

Không chỉ hỗ trợ trong quá trình sản xuất, đội tàu đoàn kết cũng thường xuyên trao đổi thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở nhau chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là mô hình mới gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới.

Với sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hy vọng Việt Nam sẽ thoát được “kiếp nạn” pháp lý được đặt ra bởi EC, nhưng nỗi lo đâu đó lại thấp thoáng. Việc vi phạm hay chấp hành nghiêm quy định IUU phần rất lớn thuộc về ý thức của ngư dân và chủ phương tiện đánh bắt. Dù chúng ta đã có rất nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng chưa thể thay đổi triệt để ứng xử của ngư dân. Nhiều ngư dân bề ngoài chấp hành, hoặc có cam kết, nhưng thực chất vẫn chưa gác lại được lợi ích cục bộ và ngắn hạn để nâng niu, nuôi dưỡng những lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn gắn với lợi ích, uy tín quốc gia, dân tộc. 

Bài cuối: “Rào cản” pháp lý tái tạo sự đa dạng của môi trường biển

Hà Khải