Đi tận bến, đến tận thuyền
Thanh Hóa là một tỉnh có 102 km chiều dài bờ biển, với 17.000 km2 nằm trải dài 6 huyện thị xã, thành phố (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn). Với hơn 30% dân số hoạt động trong nghề đánh bắt hải sản, cùng với 5.946 tàu thuyền các loại tham gia đánh bắt cá.
Trong những năm qua, thực hiện nghiêm các quy định cuả chính phủ về đề án khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong việc khắc phục những tồn tại trong khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số công văn, quyết định nhằm cụ thể hóa chỉ thị của trung ương trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thể hiện sự quyết tâm gỡ bỏ lệnh cấm của liên minh châu Âu. Xác định rõ mục tiêu, quan điểm về việc gỡ thẻ vàng không chỉ đơn thuần là việc các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, mà đây còn là cơ hội để nâng cao chất lượng hải sản của Thanh Hóa nói riêng và Việt nói chung trên thị trường quốc tế. Từ đó xây dựng phương án phù hợp để tuyên truyền cho ngư dân hiểu và làm theo.
Cùng với đó, địa phương còn thường xuyên kiểm tra, xác minh các tàu cá hết giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, không bật thiết bị theo dõi hành trình trên 6 tháng... Phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân qua các hình thức thông tin trên Truyền hình, Đài phát thanh, Báo và trên các trang mục, phát tờ rơi.
Ngoài ra, để các tàu đánh bắt cá tuân thủ đúng quy tắc, tỉnh Thanh Hóa còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuến khích, hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị định vị (VMS) như miễn phí 3 năm sử dụng thuê bao, quán triệt và yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, lãnh đạo, cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đến từng xã, phường nghề cá để vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Cục Kiểm ngư, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá của ngư dân. Tuyệt đối không để tình trạng tàu 3 không (không đăng ký; không giấy phép khai thác; không đăng kiểm) tham ra vào công tác khai thác hải sản. Thường xuyên kiểm soát chặt chẽ việc cập, rời cảng, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin về các trường hợp tàu vi phạm để kịp thời phối hợp xử lý.
Trong 9 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 3 đợt kiểm tra về chống khai thác IUU tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các cảng cá trên địa bàn tỉnh; đã xóa đăng ký 538 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 76 vụ, tổng tiền xử phạt trên 1,5 tỷ đồng, đưa vào danh sách 64 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định về chống khai thác IUU gửi các địa phương theo dõi, quản lý.
Đặc biệt, trong tháng 7/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tuấn trú tại xã Quảng Thạch, Quảng Xương, (Thanh Hóa), là chủ tàu cá biển kiểm soát TH 90221 TS số tiền 900 triệu đồng về hành vi khai thác thủy sản vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép. Đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng trong thời hạn 9 tháng đối với chủ tàu Nguyễn Văn Tuấn.
Tạo sự chuyển biến tích cực
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, nên trong những năm qua số vụ vi phạm về IUU tại Thanh Hóa có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh này có 1.100/1.112 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ gần 99% tàu cá vùng khơi, chỉ còn 12 tàu chưa lắp đặt do chủ phương tiện lâu nay đã không sử dụng.
Bên cạnh đó, việc ghi chép nhật ký khai thác và thông tin tàu cá ra vào cảng đối với các chủ tàu cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Không để xảy ra tình trạng tắt thiết bị định vị trong quá trình khai thác.
Ông Lê Văn Hải, ngư dân phường Quảng Tiến cho biết: “Sau những lần tập huấn hướng dẫn của các cấp về khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định đã giúp chúng tôi hiểu rõ về các quy định, từ đó mỗi ngư dân đồng thuận chấp hành theo, góp phần giúp giá trị của tôm cá được tăng lên. Ngoài ra, chúng tôi cũng thành lập các tổ, nhóm để tự giám sát nhau trong quá trình ra khơi đánh bắt”.
Không chỉ tạo sự chuyển biến tích cực từ những tàu cá ra khơi bám biển, mà việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng giúp cho những ngư dân hoạt động đánh bắt gần bờ được nâng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, trên bãi biển Thanh Hóa không còn tình trạng đánh bắt tận diệt như dùng lưới mắt nhỏ, hay sung điện...
Trong giai đoạn “nước rút” hiện nay, để làm tốt các quy định của về lệnh cấm của IUU, mỗi cán bộ, ngư dân tỉnh Thanh Hóa đều nâng cao vai trò trách nhiệm để cùng với ngư dân cả nước gỡ bỏ lệnh cấm. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị hải sản. Để làm được điều đó, lãnh đạo, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã đến từng xã, phường nghề cá tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác. Bên cạnh đó, Ban quản lý cảng cá thường xuyên phát trên hệ thống loa truyền thanh của cảng về Luật Thủy sản, chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình và các quy định về chống khai thác IUU. Lực lượng chức năng của tỉnh kiên quyết lập biên bản, xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Thủy sản và quy định chống khai thác IUU.
Bài 2: Nỗ lực khắc phục những bất cập trong quá trình khai thác hải sản