Tỉnh Thái Nguyên: Xanh hóa nền nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu

Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên mong muốn có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và cũng xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là ưu tiên số một của ngành nông nghiệp.
picture2-1709606581.png
Tỉnh Thái Nguyên tập chung sản xuất hữu cơ với những cây trồng chủ lực. (Ảnh minh họa)

Để phát huy những thế mạnh của nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, nhiều định hướng phát triển nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ đã được thể hiện tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng sẵn có để sản xuất hữu cơ. Bởi, sản phẩm hữu cơ rất có giá trị và quan trọng với tỉnh. Đây là một trong những bước đi cần thiết để củng cố thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà tỉnh đang hướng đến.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 10.000 ha cây quế tập trung vào các huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai. Hiện nay, loại cây này đã đạt khoảng gần 4.000 ha. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng quan tâm phát triển cây chè, cây ăn quả nhưng diện tích bị phân tán nhỏ lẻ, không tập trung. Hiện tỉnh mới hình thành được một số vùng trồng cây ăn quả hữu cơ tại huyện Võ Nhai và một số ít sản phẩm rau hữu cơ.

Tuy nhiên, theo ông Sỹ, trong quá trình triển khai sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn giữa việc thuyết phục được người tiêu dùng, người sản xuất để làm sao giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là sản phẩm hữu cơ để họ tin tưởng sử dụng và tích cực hưởng ứng. “Tỉnh Thái Nguyên có định hướng tập trung sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm đặc sản như nếp vải của huyện Phú Lương gắn với liên kết chuỗi sản xuất làng nghề bánh chưng Bờ Đậu với sản phẩm bánh chưng hữu cơ Bờ Đậu. Hay là gạo Bao Thai của Định Hóa…”, ông Sỹ cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, hiện nay Thái Nguyên cũng đã có một số cơ sở sản xuất miến, mì, gạo chất lượng tốt, nhưng không đủ sản phẩm để xuất khẩu. Ví dụ như cơ sở sản xuất mì đặt tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên sẽ hướng sang xuất khẩu. Hay cơ sở sản xuất mì Tiến Diện tại huyện Võ Nhai hiện nay sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Liên bang Đức. “Trên thế giới hiện nay, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ rất lớn. Vì vậy, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hữu cơ với tỉnh là vô cùng quan trọng. Xác định mục tiêu đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng đang muốn tạo ra những vùng nguyên liệu để cho các sản phẩm hữu cơ. Đó là liên kết các chuỗi giá trị sản xuất gắn với các sản phẩm như nếp Thầu Dầu của Phú Bình với tương nếp Vũ Kỳ để hình thành thương hiệu tương nếp hữu cơ. Trước mắt, chúng tôi sẽ có định hướng và tập trung, chỉ đạo, khuyến khích phát triển những sản phẩm này”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Sỹ cho biết, tỉnh rất quan tâm đến hạng mục chăn nuôi hữu cơ. Từ năm 2020, Thái Nguyên đã có một số cơ sở sản xuất gà hữu cơ nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên trước mắt sẽ tập trung vào lĩnh vực trồng trọt gắn đến các sản phẩm chế biến. Bởi, tỉnh Thái Nguyên dù chưa có quy hoạch các vùng sản xuất hữu cơ, không quy hoạch cụ thể nhưng hiện nay có định hướng phát triển sản xuất hữu cơ đối với các sản phẩm gắn liền với chế biến. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã có một số cơ chế chính sách hỗ trợ 100% kinh phí về cấp giấy chứng nhận như VietGAP, hữu cơ.

“Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, nhưng không hỗ trợ với quy mô nhỏ lẻ, vì sản xuất hữu cơ với quy mô nhỏ lẻ sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Chúng tôi chỉ hỗ trợ thông qua những hoạt động liên kết, thông qua HTX, có quy định quy mô rất cụ thể. Các dự án liên kết sản xuất chuỗi được ưu tiên số 1 cho các dự án liên kết sản xuất hữu cơ, ví dụ như chè hữu cơ. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 8 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng chủ yếu tập trung chung cho sản xuất chè hữu cơ”.

Ông Phạm Văn Sỹ cũng cho biết, trước đây, đã có các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng tới đây sẽ khác. “Khi có những đề tài, đề án sản xuất hữu cơ phải có sản phẩm đạt chứng nhận chứ không phải các đề tài hướng theo hữu cơ nữa. Vì vậy, chúng ta phải xác định lại, đã là sản xuất hữu cơ phải có chứng nhận, thành hàng hóa”, ông Sỹ nhận định.

Theo định hướng của tỉnh Thái Nguyên, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ có khoảng 200 ha chè hữu cơ đạt chứng nhận và hiện đã có 60 ha có chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041.

picture1-1709606391.png
Nhiều vùng sản xuất chè tại Thái Nguyên được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Văn Sỹ cũng khẳng định mong muốn có một số hợp tác cùng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như sau:

Một là, phối hợp để thực hiện tốt công tác truyền truyền trên địa bàn, truyền truyền, vận động xác định đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hữu cơ. Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích để phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế xã hội. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn và rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm hữu cơ hiện nay.

Hai là, giới thiệu, quảng bá tuyên truyền các mô hình đã đạt chứng nhận trong sản xuất hữu cơ để người dân, đơn vị tiếp cận, học hỏi và áp dụng vào thực tế.

Ba là, những giải pháp tổng thể quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mở các hình thức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật thực tế cho bà con nông dân sản xuất. Và công tác quản lý chứng nhận và cấp chứng nhận hữu cơ hiện nay.

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp an toàn là ưu tiên số một của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Để làm được việc này, chúng ta cùng phải đồng hành với nhau. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và ký kết đưa sản phẩm xuất khẩu, nhưng hiện nay sản lượng không đủ. Để giải quyết vấn đề này cần liên kết các HTX chè để tạo vùng chè có diện tích lớn đảm bảo sản lượng để xuất khẩu”, ông Phạm Văn Sỹ khẳng định./.

Quốc Tùng - Hải Sơn