Tát độ vài ba bốn ngày đêm thì cạn. Ngày cạn ao thì vui lắm, cả làng ra đứng lố nhố trên bốn bờ ao, chỉ chỉ, trỏ trỏ, vỗ tay reo hò... nhưng chỉ có những người được cắt cử mới được xuống ao bắt cá. Thế nhưng, theo sau người lớn, thế nào cũng có vài đứa trẻ con lép nhép lội theo bắt hôi, đầu tóc, mặt mũi lấm lem bùn đất...
Những gánh cá trắng phau được đổ đầy sân đình, cá giãy đành đạch, nhảy tung tóe... để rồi sau đó được chia theo khẩu, mỗi khẩu được vài ba lạng gì đấy, cũng đủ cho một cái tết. Thi thoảng có năm, xe ô tô lại chở một xe xu hào từ nông trường quốc doanh nào đó về đổ đầy cửa hàng. Riêng mặt hàng này, xã viên được mua thoải mái. Những củ xu hào được nhổ từ lúc nảo lúc nào, cuống lá đã rụng hết, củ bị xơ hóa, cứng như đá, ninh hầm cả ngày cũng không nhừ.
Cứ vào độ hăm lăm, hăm sáu tết các bà các chị lại tíu tít ngâm gạo, xay bột, dọc lá gói bánh. Bánh tết làng tôi rất phong phú, nào là bánh chưng, bánh ít, bánh gai, bánh mật, chè lam, bánh lá, bánh rán, v.v... Mỗi thứ bánh có một loại bột riêng, một kiểu gói riêng. Bánh ít, bánh mật, bánh gai, bánh rán, chè lam thì làm bằng bột nếp. Bánh lá thì gói bằng bột gạo tẻ. Với chè lam, gạo nếp rang vàng, xay nhỏ rây mịn rồi trộn mật nặn thành từng bánh như cái chày giã cua.
Cũng có khi nặn xong còn đem đồ lên, nhưng bánh đồ thì mật chảy ra vàng quánh, để lâu rắn như đá, mỗi khi ăn không bẻ bằng tay được mà phải chặt bằng dao, nhai sái hàm nhưng bùi ngầy ngậy. Nếu trời rét thì bánh chè lam có thể để được cả tháng, còn bánh chưng, bánh mật, bánh gai để được mười lăm, hai mươi ngày. Bánh lá là thứ bánh được làm bằng gạo tẻ, có nơi còn gọi là bánh răng bừa, vì nhỏ như cái răng bừa. Bánh lá gói xong đem
đồ bằng chõ hay luộc. Làm ngày nào cúng xong thì ăn luôn ngày đó, cả ba ngày tết ngày nào cũng gói bánh lá, rất sốt dẻo. Còn các loại bánh chưng, bánh mật, bánh gai, chè lam thì để thờ cả mấy ngày tết, sau khi đưa ông vải xong mới hạ xuống ăn. Vì ngày tết ăn nhiều mỡ nên phải tránh ăn bánh có mật, mật mỡ vốn kỵ nhau.
Trong ký ức của tôi, không có khái niệm về các loại bánh tết. Thực ra là có, nhưng chỉ mỗi bánh chưng. Những loại bánh kể trên, là nói chuyện của làng nước, còn với gia đình tôi, gần như ngoài cuộc. Mẹ tôi mất từ khi tôi chưa rời nôi. Thày tôi cảnh gà trống nuôi con. Chị gái đầu của tôi chưa đầy mười tám tuổi đã thoát ly, rồi lấy chồng, thành ra nhà chỉ toàn đàn ông. Nên những chuyện bánh trái của đàn bà con gái, trở nên xa lạ với gia đình tôi. Mỗi khi tết đến, thày tôi chỉ gói vài cặp bánh chưng.
Thi thoảng các dì tôi cũng có biếu một, đôi đĩa bánh ít, bánh mật để cúng giường thờ, gọi là có. Cho đến mãi sau này, khi tôi đã có thêm các chị dâu, có nghĩa là gia đình tôi đã có thêm phụ nữ, tết đến đã nhộn nhịp bánh trái... thì tôi vẫn chưa phai được cái ấn tượng ngoài cuộc đối với bánh tết. Cũng vì tuổi thơ tôi không có mẹ, nên tuyệt nhiên tôi cũng không có khái niệm về quà chợ... Bánh đa, tấm mía là chuyện xa lạ đối với tôi.
Nhiều bữa đang chơi với bạn bè ở cổng xóm, thấy chợ tan, chúng bạn ùa ra đón mẹ. Đứa nào cũng có một vành thúng để níu theo. Tôi đứng ngơ ngác một mình, bơ vơ. Và đây, một khổ thơ trong bài thơ văn xuôi tôi viết cách đây chưa lâu, xin được dùng để kết hồi ức này: Ký ức tôi hình dung lời khàn đục lời cha ru khấp khểnh trưa hè tấp tểnh ngõ tre, cha về rười rượi bánh đúc, bánh đa tôi đau đáu một thời./.