Tăng cường cung ứng hàng hóa, kiểm soát thị trường ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3

Trước diễn biến của cơn bão số 3, để đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Các siêu thị và đơn vị phân phối hàng hóa cũng chủ động nguồn cung ứng kịp thời.
kiem-tra-hang-hoa-ung-pho-bao-so-3-4-1725674143.jpg
Các siêu thị tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. (Ảnh: TTXVN)

Không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay chiều ngày 6/9, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Đội Quản lý thị trường khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó bão số 3 năm 2024, trong đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc phòng ngừa, ứng phó siêu bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất.

kiem-tra-hang-hoa-ung-pho-bao-so-3-1-1725674116.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hải phòng tăng cường kiểm tra hoạt động bán hàng phục vụ người dân. (Ảnh Vietnam+)

Cục Quản lý thị trường thành phố yêu cầu các Đội tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định giá các mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng.

Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn, các Đội Quản lý thị trường có trách nhiệm phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ; theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai thời tiết mưa lũ kéo dài từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra trong thời gian nhanh nhất, đồng thời chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế... đảm bảo an toàn trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các địa phương bảo đảm nguồn cung hàng hóa ứng phó cơn bão số 3

Theo Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trên địa bàn trước, trong và sau cơn bão số 3.

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, theo lĩnh vực được phân công, ngày 6/9, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3, trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho thấy để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

kiem-tra-hang-hoa-ung-pho-bao-so-3-2-1725674220.jpg
Các mặt hàng rau, củ quả cung ứng tại các chợ truyền thống. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 5/9 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...

Siêu thị chuẩn bị đủ nguồn hàng thiết yếu

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3,

Theo đại diện Central Retail Việt Nam, siêu thị GO!, Big C miền Bắc thuộc hệ thống đã tăng thêm thời gian mở cửa tới 23h (ngày 5/9 và 6/9), thay vì 22h như ngày thường, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Bên cạnh đó, GO!, Big C chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau củ quả tươi sống (hàng thiết yếu), đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.

Trong ngày 5/9-6/9, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng mạnh so với ngày thường. Khách hàng tập trung mua chủ yếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, cá thịt, mỳ tôm, gạo… Đặc biệt đối với AEON Hải Phòng, do vị trí gần biển chịu ảnh hưởng nhiều từ bão nên sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng, AEON Việt Nam đã dự trữ sẵn nguồn hàng cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, đồng thời tăng cường bố trí nhân sự đầy đủ tại tất cả các trung tâm và siêu thị, nhân viên khối văn phòng cũng tập trung hỗ trợ trưng bày hàng hóa, hỗ trợ khách hàng mua sắm.

Để đáp ứng đầy đủ nguồn hàng hóa và đồng hành cùng người dân an tâm mua sắm, AEON Việt Nam đã chủ động lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp để đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa trong thời gian bão cũng như sau đó, đảm bảo giá cả ổn định.

kiem-tra-hang-hoa-ung-pho-bao-so-3-3-1725674273.jpg
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị. (Ảnh Vietnam+)

Tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON khu vực phía bắc đã nâng lượng hàng dự trữ gấp 2-3 lần ngày thường (đặc biệt là với các mặt hàng đồ tươi sống) nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cho các sản phẩm: Gạo, mỳ tôm các loại, rau, củ, quả các loại, Thịt, cá, đồ đông lạnh, sữa uống các loại.

Bên cạnh đó, AEON cũng tập trung vào một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như: Đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần. Những sản phẩm này được trưng bày ở những vị trí thuận tiện dễ nhìn, dễ lấy để khách hàng dễ dàng tìm thấy.

Cũng theo đại diện AEON, doanh nghiệp đã tăng sản lượng lưu trữ tại các trung tâm phân phối (kho trung chuyển) để khi có nhu cầu có thể kịp thời đáp ứng, cung cấp cho các siêu thị.

Ngoài ra, để giúp khách hàng thuận tiện mua sắm trong tình hình thời tiết bất lợi, Khách hàng có thể chọn đa dạng kênh mua sắm của AEON Việt Nam. Tất cả các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị của AEON được mở cửa bình thường. Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể mua hàng qua điện thoại, qua kênh thương mại điện tử AEON EShop với hàng hóa đa dạng và đầy đủ sản phẩm thiết yếu. Các kênh online như facebook, zalo của AEON Việt Nam cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng chuẩn bị cho bão.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.

Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...

Báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối trong ngày 6/9 cho thấy, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão./.

Bình Nguyên