Thúc đẩy phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên

Ngày 1/8, Văn phòng Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương Gia Lai chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên - xu hướng tất yếu”.

Trước khi bước vào Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan thực tế mô hình trồng cây dược liệu xen trong vườn cà phê của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Đak Đoa); trang trại trồng nấm linh chi đỏ và cây sầu riêng hữu cơ tại Công ty TNHH Lâm Nông nghiệp Vi sinh Vos Five A (huyện Đak Đoa) và mô hình trồng cà phê Organic của trang trại ông Nguyễn Đình Phú HTX Tân Nông Nguyên ( huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Các mô hình khi đoàn đến thăm đều được các chủ Trang trại phấn khởi, bày tỏ sự cảm động trước sự quan tâm kết nối của Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Việt Nam,  Hiệp hội trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Gia Lai và các Sở, ngành.

Đoàn đã thăm quan vườn cà phê 13ha của gia đình ông Nguyễn Đình Phú với hoạt động chăm sóc sử dụng toàn bộ phân chuồng và hệ thống tưới nước tiết kiệm, mỗi ha cà phê thu về cao hơn những vườn khác từ 30- 50 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu được các doanh nghiệp ở Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu đặt hàng. “ có đơn vị đặt hàng 50 tấn cà phê nhân mà gia đình không dám nhận vì sản lượng của gia đình không đủ đáp ứng do đã có những đơn hàng trước”, ông Phú vui mừng cho biết.

q1-1659588552.jpg
Trang trại ông Nguyễn Đình Phú HTX Tân Nông Nguyên (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Về quy trình sản xuất ông Phú chia sẻ thêm, cà phê chín được hái theo từng đợt, rồi rửa sạch, phơi khô theo tiêu chuẩn, sau đó sử dụng máy phân loại hạt. Cà phê nhân loại 1 cung cấp ra thị trường có giá từ 70-120 ngàn đồng/kg, loại 2 giá 55 ngàn/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng thu về được khoảng 250 triệu đồng/ha.

Tiếp đó, Đoàn đến tham quan thực tế đến trang trại của Công ty cổ phần VOS FIVE A (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Tại đây, các sản phẩm nông nghiệp của trang trại như nấm linh chi… đều xuất đi nước ngoài với mã số định danh đầy đủ thông tin cho khách hàng kiểm tra.

q2-1659588552.jpg
Sản phẩm nấm linh chi của công ty VOS FIVE A đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Trần Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần VOS FIVE A quê ở tỉnh Đồng Tháp lên Tây Nguyên lập nghiệp cách đây hơn 20 năm với bao khó khăn có thể nói cứ “trồng- chặt- trồng" nhiều loại cây. Đến nay, mới ổn định được cây trồng thích hợp với phương pháp canh tác hữu cơ và có lợi nhuận. Ông cho biết: "Với sản phẩm linh chi được trồng dưới nền đất, chúng tôi đã được FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cấp phép vào thị trường. Hiện sản phẩm này đã có mặt ở 3 nước có yêu cầu khắt khe nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Ngoài ra, trang thương mại điện tử trực tuyến Amazone cũng đã ký hợp đồng để phân phối trên kênh thương mại điện tử. Hiện nay Công ty Domesco Đồng Tháp sản xuất linh chi nano đang hợp tác với ông để cùng phát triển sản xuất kinh doanh".

Điểm mới trong phát triển nông nghiệp hữu cơ là trang trại ông Nguyễn Trình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Xã Tân Binh,(Đăk Đoa) đang quản lý trang trại hơn 20 ha, với mô hình trông cây dược liệu xen canh trong vườn cà phê hữu cơ. Đoàn đén thăm đểu rất vui khi tận mát thấy màu xanh tươi tốt của cà phê và hương thơm ngào ngạt của cây Đuơng qui hòa với niềm vui của thương hiệu Tám Trình ( khoai lang Lệ Cần ) từ hiệu quả kinh doanh. Ông chia sẻ ngoài dược liệu và khoai lang thu về mỗi năm trên 250 triệu/ha, ông đang đưa cây kim ngân vào trồng thử nghiệm do PGS.TS Trần Văn Ơn ở Hà Nôi chuyển giao nay cũng đã có kết quả rất khả quan . Ông đang báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho xây dựng vườn giống đầu dòng ở Tây Nguyên.

q3-1659588552.jpg
Trang trại ông Nguyễn Trình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Xã Tân Binh (Đăk Đoa) với mô hình trông cây dược liệu xen canh trong vườn cà phê hữu cơ.

Báo cáo tại buổi hội thảo chiều ngày 01/8/2022, ông Nguyễn Dũng Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Tây Nguyên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây dược liệu. Tây Nguyên hiện có khoảng 610 ngàn ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước), hơn 250 ngàn ha cao su (chiếm 26%), 90 ngàn ha hồ tiêu (chiếm hơn 60%), 83 ngàn ha điều (chiếm 28%), 12,6 ngàn ha sầu riêng (chiếm 34%) và nhiều loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, mật nhân, xuyên tâm liên, kim ngân... Tây Nguyên đang từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu nên phát triển nông nghiệp Tây Nguyên còn nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững nên cần có sự hợp tác đễ cùng nhau phát triển, vươn xa hội nhập thế giới.

q4-1659588552.jpg
Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Giải pháp đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, ứng dụng sản xuất hữu cơ, tuần hoàn để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững gắn với tiêu thụ.

Tại hội thảo, Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đưa ra hàng loạt các giải pháp liên quan đến các Sở ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ cùng hỗ trợ nông dân về hoạt động truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ.

Cùng phối hợp thực hiện giải pháp này, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, am hiểu pháp lý để tổ chức kết nối sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và liên kết, hợp tác đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, cần chú trọng khâu bao bì, đóng gói, giới thiệu, quảng bá và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các siêu thị bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước, không để hàng hóa ứ đọng, ùn tắc như những năm vừa qua gây nhiều thiệt hai cho cả nhà nông, đơn vị vận tải và doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

q5-1659588552.jpg
Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ với các Sở, các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Gia Lai về hợp tác sản xuật nông nghiệp hữu cơ.

Kết thúc hội thảo, các đơn vị tham dự cùng Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Khu vực Miền Trung Tây Nguyên đưa ra cam kết chung, ký kết ghi nhớ hợp tác để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, chủ động ứng phó rủi ro, có tính cạnh tranh quốc tế cao. Phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, HTX và người nông dân xây dựng chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, Ngân hàng TMCP Ngoại thương phối hợp hỗ trợ tín dụng và thanh toán như là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp, chủ trang trại, HTX.

q6-1659588552.jpg
Sản phẩm đạt chuẩn OCOP của các tỉnh Miền Trung Tây Nguyên sẽ được niêm yết trên sàn thương mại điện tử

Hoạt động tổ chức hội thảo lần này đã kết nối thành công 5 nhà ( nhà nông, nhà Khoa học, nhà Doanh nghiệp, Nhà nước và nhà băng) cùng với các cơ quan truyền thông đã tạo ra sự giao lưu giữa các đối tác, kết nối thị trường tiêu thụ mới, quảng bá thương hiệu sản phẩm và giới thiệu những thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chí của các nền nông nghiệp tiên tiến hiện nay như: Úc, Nhật bản, Hàn Quốc, New Zealand. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin thực tế, khoa học bổ ích đến tất cả người dân Tây Nguyên đã quan tâm đến việc phải hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, xu hướng tất yếu hiện nay và trong tương lai...

Nhuận Hùng