Trên đây là một trong những nội dung được thảo luận trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cùng lãnh đạo Công ty Corio Generation (thuộc Tập đoàn Macquarie) vào tối 28/3 tại Trụ sở Chính phủ.
Gợi mở những bước đột phá về điện gió ngoài khơi
Hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Macquarie nói chung và Công ty Corio Generation nói riêng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe báo cáo về tình hình Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Corio Generation triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Công ty Corio Generation và EVNGENCO3, Phó Thủ tướng lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần “vừa làm, vừa hoàn thiện” các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải, xác định công suất để bảo đảm sự ổn định, cân bằng của lưới điện, phương án huy động vốn...
“Đây có thể coi là dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy và mở rộng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Australia, đồng thời giúp Việt Nam hiện thực hóa kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP),” Phó Thủ tướng nói.
Cho biết Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp điện gió, Phó Thủ tướng đề nghị, cùng với đầu tư, Công ty Corio Generation chú trọng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ; đa dạng hóa đối tác tại Việt Nam.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski tin tưởng, trong năm 2024, mối quan hệ song phương giữa Australia-Việt Nam sẽ được nâng lên tầm mức mới.
Đại sứ Goledzinowski đề cập, một trụ cột hợp tác khác trong quan hệ song phương là chuyển đổi năng lượng xanh - lĩnh vực đã được tăng cường giữa Australia và Việt Nam trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp Australia đang rất quan tâm đến việc xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi vì Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình này.
Lãnh đạo Công ty Corio Generation cho rằng, việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi không dừng lại ở việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà còn đào tạo nhân lực vận hành, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Khơi thông nguồn vốn và chuyển giao công nghệ đầu tư năng lượng tái tạo
Corio Generation (2012) là công ty con thuộc Tập đoàn Macquarie, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, Công ty đang quản lý một trong những danh mục điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 30 GW đã đi vào vận hành tại một số quốc gia như Anh, Na Uy, Thụy Điển...
Đáng chú ý, Corio Generation đã tham gia nghiên cứu phát triển một số dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2019. Đồng thời, với vai trò là thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải ròng bằng "0" (GFANZ), Corio Generation hiện đang phối hợp với một số đối tác huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 8/3, ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Công ty Corio Generation (Tập đoàn Macquarie) cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo đó, tới đây Corio Generation muốn tham gia phát triển dự án thí điểm điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Yi-Hua Lu cũng nêu một số khó khăn khi phát triển dự án, và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Macquarie, Công ty Corio Generation thời gian qua tại Việt Nam. Ông đề nghị Corio xây dựng đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, mang lại lợi ích cho hai bên.
Lãnh đạo Chính phủ cho hay Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp điện gió, và tạo điều kiện để nhà đầu tư hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở "các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng đề nghị tập đoàn ngoài đầu tư, sẽ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW). Điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào 2030, có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý./.