Ngày 5/3, tại Australia, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Australia, Corio đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tại cuộc gặp Thủ tướng, lãnh đạo Công ty Corio trình bày kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; quan tâm nghiên cứu để đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác trong tương lai; nêu một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án; đề xuất cho phép triển khai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi.
Triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Macquarie (1969) là tập đoàn tài chính đa ngành, đa quốc gia có trụ sở và được niêm yết tại Australia, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Macquarie có hơn 21.000 nhân viên hoạt động tại 34 quốc gia, với tổng tài sản quản lý hơn 573,5 tỷ USD. Năm 2023, lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 3,4 tỷ USD.
Corio Generation (2012) là công ty con thuộc Tập đoàn Macquarie hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, Corio đang quản lý một trong những danh mục điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 30 GW đã đi vào vận hành tại một số quốc gia như Anh, Na Uy, Thụy Điển…
Công ty Corio đã tham gia nghiên cứu phát triển một số dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2019, đồng thời với vai trò là thành viên Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải ròng bằng "0" (GFANZ), Corio hiện đang phối hợp với một số đối tác huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Chiều 8/3, tại Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Corio thuộc tập đoàn Macquarie. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Macquarie nói chung và Công ty Corio Generation nói riêng trong thời gian qua.
Thủ tướng đề nghị Corio xây dựng đề án thí điểm gửi ngay các cơ quan, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đề nghị tập đoàn phối hợp với các bộ, ngành, đối tác liên quan phía Việt Nam nghiên cứu triển khai khẩn trương các dự án cụ thể trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, trong đó điều quan trọng là giá thành điện gió phải phù hợp, các bên cùng có lợi.
Thủ tướng cũng mong muốn Corio đa dạng hóa đối tác tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng là doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió. Đồng thời, Thủ tướng cho biết Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp điện gió, do đó đề nghị tập đoàn chú trọng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chứ không chỉ đầu tư.
Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để các nhà đầu tư hoạt động, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tiềm năng điện gió của Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn
Việt Nam có lới lợi thế địa lý với đường bờ biển dài hơn 3.400 km, với chất lượng gió tốt tập trung ở các vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ. Theo thống kê của Global Economy, Việt Nam nằm trong top 20 các nước về công suất điện năng lượng tái tạo trên thế giới.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, công suất tiềm năng của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đạt khoảng 475 GW. Trong khi đó, một số nghiên cứu của các tổ chức khác, con số này có thể đạt đến hơn 900 GW.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có "Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới", trong đó điện gió ven bờ và ngoài khơi.
Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII), cũng nhấn mạnh đến việc phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh), thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo thông tin được công bố tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ 6, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời.
Tính đến cuối năm 2022, quy mô đầu tư cho nguồn điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam ước tính gần 20 tỷ USD. Dư nợ tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo tính đến cuối năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng GDP năm 2022. Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.
3 cái tên đang dẫn đầu trong sản xuất điện gió tại Việt Nam là Trung Nam Group (TNG), Công ty cổ phần cơ điện lạnh - REE và TTC Group. Trung Nam đang sở hữu 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 698,15 MW, trong đó, dự án điện gió Ea Nam tại Đaklak là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG) có 17,8% vốn góp của TTC; 7,18% của Thành Thành Công Biên Hòa; và 3,83% của cá nhân ông Đặng Văn Thành. GEG có 3 dự án đóng góp khoảng 416 triệu kWh sản lượng điện, tương đương 889 tỷ đồng doanh thu cho doanh nghiệp, giảm phát thải CO2 hàng năm khoảng 360.057 tấn.
REE cũng có 3 nhà máy điện gió được vận hành thương mại là Nhà máy điện gió Trà Vinh số 3; Nhà máy điện gió Phú Lạc 2, Nhà máy điện gió Lợi Hải 2. Sản lượng điện theo thiết kế của 3 nhà máy lần lượt là 158 triệu kWh/năm; 70 triệu kWh/năm; 100 triệu kWh/năm./.