Tăng cường tiếp cận các thị trường lấy lại đà tăng trưởng của ngành thủy sản

Mặc dù còn nằm trong mức xuất khẩu âm, tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu của ngành thủy sản đã hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ.
tom-xk-1698911920.jpg
Tăng cường tiếp cận các thị trường lấy lại đà tăng trưởng của ngành thủy sản. Ảnh minh họa

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Trong đó, mặt hàng tôm (tôm thẻ, tôm chân trắng), cá tra, cá ngừ là 3 nhóm mặt hàng thuộc câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, CPTPP.

Mức sụt giảm của ngành thuỷ sản trong 2 quý đầu năm từ 30-45%, thậm chí thị trường Mỹ sụt giảm đến hơn 50%. Đến thời điểm hiện tại, sụt giảm toàn ngành là -22% (trong dịch Covid là -27%). Đây là mức động viên lớn trong hoàn cảnh hiện nay.

Tuy vậy, trong gần 100 mặt hàng chế biến tôm, cá, cá biển xuất khẩu các thị trường, VASEP cho biết vẫn có những thông tin tích cực. Một số mặt hàng được sự quan tâm đáng kể như cá minh thái, cá tuyết, cá bòng, cá thu, cá sòng, cá chim, nước mắm, cá chuối, cá trê.

Bên cạnh đó, 3 quý năm 2023 xuất khẩu thuỷ sản có mức giảm khá lớn, tương đương như thời gian có dịch COVID-19. Nhưng bắt đầu 1, 2 tháng trở lại đây mức giảm được rút ngắn một cách tích cực ở các nhóm hàng và thị trường. Ví dụ, mặt hàng tôm từ mức giảm hơn 30% đến nay đã xuống dưới 10%.

Từ đó, theo VASEP việc giảm bớt mức tăng trưởng âm của kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hàng trong mấy tháng gần đây đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong xuất khẩu của ngành hàng thủy sản.

Để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng kim ngạch xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Còn trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Phòng vệ thương mại… phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ kịp thời tham mưu xây dựng chính sách ứng phó với biến động thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu gắn với định hướng phát triển doanh nghiệp địa phương.

Đối với VASEP, cần chủ động hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững. Chủ động cung cấp thông tin của chính doanh nghiệp để các bộ, ngành ngành xây dựng, định hướng chính sách phù hợp.

Đông Nghi