Tăng cường hợp tác phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng công nghệ và nhân lực

Hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị: cần khuyến khích ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp chất lượng cao hơn, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin và tự động hóa vào trong nông nghiệp.

Nội dung trên là chủ để được thảo luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là SDMD 2045) diễn ra từ ngày 29 - 30/11/2024, với chủ đề “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.

dien-dan-phat-trien-ben-vung-dbscl-1-1732971307.jpg
Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045 với chủ đề “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.(Ảnh CTV)

Phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn năm 2045

Diễn đàn với sự tham gia của hơn 400 đại biểu (80 chuyên gia quốc tế) cùng bàn các giải pháp về công nghiệp, công nghệ; cũng như các ký kết hợp tác đa phương trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn năm 2045.

Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định, Diễn đàn Quốc tế SDMD tổ chức 2 năm/lần và tọa đàm trực tuyến hàng quý đã góp phần hỗ trợ Cần Thơ đạt được nhiều kết quả quan trọng liên tục thời gian qua. Cụ thể, thành phố đã tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư. Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu.

"Diễn đàn tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045. Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung. Chúng ta cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh", ông Dương Tấn Hiển cho hay.

dien-dan-phat-trien-ben-vung-dbscl-2-1732971361.jpg
Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu khai mạc Diễn đàn SDMD.(Ảnh CTV)

Tham dự Diễn đàn, hầu hết các đại biểu nhận định, ĐBSCL đang đứng trước thời cơ lớn, khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang định hướng thúc đẩy phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt, cơ chế đối thoại SDMD hướng đến phát triển bền vững vùng ĐBSCL là một nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nhằm nắm bắt và tận dụng tối đa thời cơ đó, các đại biểu cho rằng, cần có sự triển khai đồng bộ và quyết liệt cả ở hàng dọc và hàng ngang, ở các thành phần kinh tế và các viện, trường… trong thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương.

Để phát triển bền vững cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công thương - Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Do vậy, để phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

"Tăng cường liên kết vùng để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, dung lượng đủ lớn, từ đó hình thành trung tâm sản xuất lớn, đi liền với chế biến sâu cho thị trường trong nước và xuất khẩu;

Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; Ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030;

Rà soát đánh giá lại các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hạn chế những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.

dien-dan-phat-trien-ben-vung-dbscl-4-1732971293.jpg
ĐBSCL đang đứng trước thời cơ lớn, khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang định hướng thúc đẩy phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực.(Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Trần Thanh Hùng khuyến nghị, nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản, ĐBSCL hơn lúc nào hết cần tăng cường đầu tư công nghiệp - hiện đại hóa trong tình hình mới, nhất là không ngừng đổi mới khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ.

Theo chuyên gia Nguyễn Nguyên Minh, đến từ Tổ chức Khoa học và công nghệ Úc, phát triển bền vững cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật vào quản lý, sản xuất theo dây chuyển an toàn sức khỏe người tiêu dùng; Đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ.

"Gần đây, nhà nước đã nêu lên vấn đề nguồn nhân lực, tôi thấy rất là đúng hướng, đây là vấn đề ở nước ngoài họ nhắc rất là nhiều và cố gắng khuyến khích Việt Nam suy nghĩ giải pháp. Có phát triển máy móc những nếu không có nhân lực thì cũng không làm gì được. Con người làm phục vụ con người thì phải chú ý đến nguồn nhân lực. Theo tôi, vấn đề này vẫn cần có một chiến lược phát triển cho đúng, vì khi phát triển đào tạo ra một nguồn nhân lực cho ngành nào đó thì phải nghĩ những chuyện xung quanh, làm sao để nguồn nhân lực đó phát huy được hiệu quả, chẳng hạn có nơi ăn, chốn ở, việc làm ổn định… thì mới giữ chân họ lại được, không bị mai một nhân tài", chuyên gia Nguyễn Nguyên Minh nhận định./.

Theo Ban tổ chức, trong giai đoạn 2022-2024, đã có các thành tựu nổi bật trong hoạt động của SDMD, như: Tổ chức diễn đàn quốc tế “Khoa học và công nghệ: Động lực cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”; tổ chức 10 tọa đàm trực tuyến hằng quý về các chủ đề: nông nghiệp, thủy sản, môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...

Trong khuôn khổ SDMD, ban tổ chức cũng đã xây dựng và triển khai hơn 20 dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, thực hiện tại các địa phương. Kết nối, ký kết hợp tác với hơn 20 đơn vị, thành viên và đối tác đồng hành là cơ quan-viện, trường-doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông qua diễn đàn và các tọa đàm.

Bình Nguyên