Quảng cáo #128

Việt Nam trong nỗ lực kép "chuyển đổi số đi kèm chuyển đổi xanh" phát triển đô thị

Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết để tạo nên những môi trường đô thị đáng sống, khả năng thích ứng tốt và bền vững cho các thế hệ tương lai.
chuyen-doi-xanh-do-thi-4-1732842476.jpg
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết

Phát biểu tại tọa đàm “Hợp tác để xanh hơn - Chuyển đổi đô thị xanh – Từ Đan Mạch đến Việt Nam” tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 28/11, ông Lasse Pedersen Hjortshoj, Đại biện toàn quyền Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2021 và sau đó được nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược xanh năm 2023, hai nước đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển đô thị.

Ở cấp độ chính phủ, ông Hjortshoj cho biết, đây cũng là nội dung quan trọng mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề cập trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Đan Mạch trong ngày 26/11 vừa qua, bên cạnh các thành tựu hợp tác về văn hóa, giáo dục và nông nghiệp. Ở cấp độ doanh nghiệp, những năm gần đây ghi nhận ngày càng nhiều các công ty Đan Mạch quan tâm đến thị trường Việt Nam và thành lập nhiều cơ sở đại diện cũng như chuỗi cung ứng tại các tỉnh thành để giúp đỡ nước bạn trong quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Khi thế giới chuyển mình hướng đến một tương lai xanh hơn, các thành phố đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết để tạo nên những môi trường đô thị đáng sống, khả năng thích ứng tốt và bền vững cho các thế hệ tương lai.

chuyen-doi-xanh-do-thi-3-1732842530.jpg
Ông Lasse Pedersen Hjortshoj, Đại biện toàn quyền Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch)

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ấn tượng và quá trình hiện đại hóa nhanh chóng trong kỷ nguyên số của Việt Nam đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm không khí, mật độ giao thông cao, khan hiếm nguồn cung nước, quản lý rác thải và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu "vừa chuyển đối số, vừa chuyển đổi xanh" đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn phụ thuộc vào các chính sách quản lý của những nhà điều hành.

"Để giải được bài toán kép "vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh", Việt Nam cần đi tìm lời giải cho ba câu hỏi lớn: Những chiến lược thực tiễn nào có thể giúp Việt Nam tích hợp hạ tầng xanh và các hoạt động bền vững vào quy hoạch đô thị? Làm thế nào để các cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia và chính phủ có thể hợp tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh? Việt Nam có thể học hỏi gì từ các kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác trong việc giải quyết các thách thức đô thị hóa?", ông Hjortshoj nói.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS, KTS Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - nhận định chuyển đổi đô thị xanh là xu hướng thiết yếu. Việc Việt Nam - Đan Mạch cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và các sáng kiến sẽ hỗ trợ các đô thị ở Việt Nam rất nhiều trong quá trình này.

Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển đô thị. Mối quan hệ này bắt đầu từ năm 2011 khi hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược, vốn tập trung vào chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển xanh và chuyển đổi đô thị xanh.

Tiếp đó, tới năm 2023, mối quan hệ này đã được nâng lên một tầm cao mới với quan hệ Đối tác Chiến lược xanh, tạo ra một khuôn khổ song phương vững chắc cho tiến trình hợp tác sâu rộng hơn trong chuyển đổi xanh và đặc biệt là phát triển đô thị.

Tại toạ đàm, các diễn giả đã trình bày về các chiến lược và giải pháp thực tiễn trong việc tích hợp hạ tầng xanh và thực hành bền vững vào quy hoạch đô thị, cũng như các dự án cụ thể tại các thành phố lớn trên thế giới đã thành công chuyển đổi mô hình sang xanh hơn, bền vững hơn mà Việt Nam có thể học hỏi.

Nhiều nguyên nhân khiến mục tiêu kép về chuyển đổi đô thị xanh không dễ thực hiện

Ths.KTS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam, chuyên gia cấp cao tại NetZero.VN, chia sẻ, Việt Nam vẫn còn nằm trong số các nước đang phát triển. Việc đo lường chất lượng không khí, khối lượng khí thải từ nhà máy và phương tiện giao thông vẫn còn khó khăn, do Việt Nam chưa sở hữu công nghệ tân tiến như các nước phát triển khác. Vì vậy, Việt Nam cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể, cũng như hướng đi riêng để có thể chuyển đổi đô thị xanh, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện công nghệ, cơ sở hạ tầng.

Ông Phương cũng đưa ra một số phương án nhằm giảm thiểu khí thải, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đô thị xanh như, thắt chặt luật giao thông đường bộ, áp dụng thu phí các phương tiện tư nhân có nhu cầu di chuyển vào khu vực nội thành. Từ đó hạn chế tối đa sức tải giao thông đô thị, đồng thời giảm thiểu khí thải CO2 sinh ra từ ô tô và xe máy.

Nguồn vốn thu được từ phí giao thông sẽ được sử dụng để phát triển các loại hình di chuyển công cộng như xe buýt, các điểm cho thuê xe đạp hoặc đường tàu điện. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hạn chế sử dụng lò than, đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành Hà Nội. 

chuyen-doi-xanh-do-thi-2-1732842576.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp để Việt Nam có thể đạt được NetZero đến năm 2050. (Ảnh CTV)

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến mục tiêu kép về chuyển đổi đô thị xanh không dễ thực hiện, do mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn còn cao, đặc biệt ở những khu đô thị lớn.

Chuyên gia này lấy ví dụ, phát thải điện than ở các khu vực phía đông và đông bắc theo dòng khí quyển di chuyển vào Hà Nội, sau đó bị chặn lại bởi hệ thống núi như rặng Ba Vì khiến luồng phát thải này tụ lại ở trung tâm thủ đô, gây ô nhiễm không khí. Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội hiện nay đang cao gấp 15,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Tốc độ tăng trưởng nhanh và mật độ dân cư lớn ở các đô thị Việt Nam cũng khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng để phục vụ nhu cầu giải nhiệt của người dân ở trong nhà cũng như khi di chuyển trên đường phố. Tuy nhiên, nguồn điện chính mà Việt Nam đang sử dụng là điện than, tạo ra mức phát thải ròng lớn hơn so với các nguồn năng lượng tự tái tạo như gió, mặt trời,..., ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết.

Chuyên gia của Net Zero cho hay, việc giảm phát thải sẽ đạt được mục tiêu kép là giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí tiêu thụ điện năng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chế tài quản lý chưa hoàn thiện và kế hoạch chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều lỗ hổng đang ngăn cản quá trình "chuyển đổi số đi kèm chuyển đổi xanh" ở những khu vực đang trên đà phát triển.

chuyen-doi-xanh-do-thi-1-1732842651.jpg
Không gian trưng bày hình ảnh “Hợp tác để xanh hơn”, giới thiệu các giải pháp xanh của Đan Mạch. (Ảnh CTV)

Tại sự kiện, các đại biểu tham dự và công chúng sẽ có cơ hội xem phần trưng bày hình ảnh “Hợp tác để xanh hơn”, giới thiệu các giải pháp xanh của Đan Mạch trong các lĩnh vực như năng lượng, quản lý nước, kinh tế tuần hoàn và các thành phố bền vững, đáng sống./.

Trọng Bình