Chính sách tiền lương, đối với cán bộ, công chức, viên chức là một trong những chính sách rất cơ bản của quốc gia với những mối quan hệ tổng thể về chính trị, kinh tế, xã hội và thị trường tương tác chặt chẽ với nhau, liên quan đến vấn đề lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, cán bộ, công chức luôn được xác định là một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao là nhóm đối tượng thực thi quyền lực Nhà nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước do tính chất lao động đặc thù của loại lao động này quy định.
Do đó, chính sách tiền lương hợp lý, có tính cạnh tranh cao là cơ sở để thu hút những người giỏi và tài năng nhất vào làm việc cho Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - anh ninh tại nước ta.
Những vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương đối với, cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính là công dân Việt Nam trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước và làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước (gồm: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc cho UBND các cấp).
Tiền lương của cán bộ, công chức là khoản tiền được trích ra từ ngân sách nhà nước để trả cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và gắn với chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công. Tiền lương phải được tính đúng, tính đủ hao phí lao động, có tính đến đặc thù lao động của cán bộ, công chức và bảo đảm cho họ có mức sống trên mức trung bình của lao động xã hội, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức làm việc trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà:
Mức lương cơ sở (cơ bản): Dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Từ năm 1995 đến nay, nước ta đã trải qua 19 lần thay đổi lương cơ sở. Theo quy định của pháp luật, hiện nay mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức là 2.340.000 đồng/ tháng.
Hệ số lương: Hệ số lương là hệ số nhằm thể hiện sự chênh lệch của mức tiền lương đối với các mức lương theo ngạch, theo bậc lương (bậc lương cơ bản) và mực lương tối thiểu vùng. Hệ số lương là chỉ số thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc khác nhau dựa trên yếu tố trình độ, bằng cấp.
Chỉ số giá cả, chỉ số lạm phát hằng năm: Chỉ số giá sinh hoạt, chỉ số giá cả, chỉ số lạm phát và tăng lương cơ sở có quan hệ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau: Khi lương cơ sở tăng lên, đời sống của cán bộ, công chức sẽ được nâng lên, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn tức là quan hệ cung cầu sẽ thay đổi, điều đó tất nhiên sẽ dẫn đến biến động giá cả hàng hóa tiêu dùng. Ngược lại, chỉ số giá sinh hoạt, chỉ số lạm phát tăng lên, lên sẽ ảnh hưởng làm giảm đến mức sống của cán bộ, công chức và đó là một nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu cần phải tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khách quan và chủ quan khách.
Số lượng Biên chế; Nguồn lực (Quỹ lương từ nguồn ngân sách Nhà nước): Quỹ lương cho cán bộ, công chức được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước (tiền thuế của người dân, doanh nghiệp). Do đó, việc không tăng được nguồn thu ngân sách hoặc không tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng, tác động đến chính sách cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức; Đồng thời, nếu không tinh giảm được Biên chế cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức.
Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội
Hiện nay, tiền lương tối thiểu được Chính phủ quy định chung cho cả nước và điều chỉnh tăng hằng năm căn cứ điều kiện cân đối ngân sách. Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền lương, theo đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Mặc dù đã tăng lên 30% từ ngày 1/7/2024 nhưng mức lương này vẫn còn khá thấp, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, mức lương bình quân của công chức thành phố hiện nay còn thấp, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ bản hằng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại Thủ đô. Từ đó chưa tạo được động lực, thúc đẩy tỉnh thần cán bộ, công chức phấn đấu trong công việc,
Chính vì vậy, UBND TP. Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP. Hà Nội quản lý.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025.
Luật Thủ đô năm 2024 có quy định, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức Chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố Hà Nội quản lý sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định trên; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản (lương cơ bản = hệ số lương x 2,34 triệu đồng) của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
UBND TP Hà Nội dự kiến chi hơn 9.900 tỉ đồng/năm để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo tính toán, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm theo mức trích 0,8 lần quỹ lương cơ bản có thể thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến hết năm 2028.
UBND TP đánh giá, việc thực hiện chính sách nhằm tăng thu nhập, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Đảm bảo động viên, khuyến khích cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức có nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút và thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc có hiệu quả
Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại Thủ đô ngoài được nhận đầy đủ chế độ tiền lương, phụ cấp, thưởng theo chế độ quy định, nhóm này sẽ được hưởng một khoản tiền lương tăng thêm. Chính sách này nhằm giữ chân, khuyến khích người tài làm việc tại Thủ đô.
Điều 16 Luật Thủ đô 2024 quy định thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn nêu trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, việc chi thu nhập tăng thêm nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc.
Về nguyên tắc, mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ hàng tháng và được chi trả cùng kỳ lương vào tháng liền kề sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại.
Căn cứ kinh phí được phân bổ để chi thu nhập tăng thêm, các đơn vị chi 50% cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng được hưởng có kết quả đánh giá, xếp loại trong tháng đạt từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên. 50% kinh phí được cấp còn lại để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, mức chi cho cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gấp 1,5 lần so với cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đề xuất phương hướng cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức
Để thực hiện tốt công tác cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ, thống nhất một số quan điểm như sau:
Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, phải phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng; vận dụng sáng tạo, có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong công tác xây dựng chính sách tiền lương, qua đó góp phần nâng cao năng xuất lao động của toàn xã hội và tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Xây dựng chính sách tiền lương cao đối với cán bộ, công chức; tiền lương phải trả đúng giá trị lao động trên cơ sở tính đúng, tính đủ hao phí lao đồng và đảm bảo mức lương cho cán bộ, công chức phải đảm bảo điều kiện sống ở mức trên trung bình của xã hội. Qua đó, tạo điều kiện, động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng, mức độ hoàn thành công việc, thu hút nguồn lao động chất lượng cao vào làm tại các cơ quan Nhà nước.
Mở rộng quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa phù hợp với độ phức tạp của công việc; thiết kế lại hệ thống thang, bảng lương và các khoản phụ cấp trên cơ sở xây dựng hệ thống vị trí việc làm tương ứng với tiêu chuẩn về chức danh của cán bộ, công chức; xây dựng mức lương trả cho cán bộ, công chức phải tương xứng với mặt chung về tiền lương khu vực ngoài nhà nước; thực hiện công bằng tiền lương, thu nhập giữa các khu vực thị trường lao động.
Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức phải gắn với công cuộc cải cách hành chính của Nhà nước; xây dựng nền công vụ minh bạch, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện thí điểm việc sát, nhập các cơ quan Nhà nước có cùng chức năng, nhiệm vụ gắn với tinh giảm biên chế để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lượng; xây dựng các chính sách phúc lợi phù hợp để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức và gia đình.
Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15/-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… Thủ đô Hà Nội rất cần có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức trong các các cơ quan Nhà nước, tổ chức Chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố Hà Nội quản lý. Do đó, cần chú trọng và có những quan tâm đến chính sách lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố nhằm đáp ứng mức chi phí sinh hoạt tại Thủ đô, góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố./.