Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn, đã tạo ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác CPTPP cũng khởi sắc rõ nét.
Tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh, cùng việc tham gia kết nối, liên kết với các DN FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên của CPTPP trở thành lợi ích nổi bật cho các DN Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định này.
Nhận định dư địa và cơ hội để DN tận dụng tại các thị trường CPTPP còn rất lớn, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài từ các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để tận dụng cơ hội, lợi thế từ CPTPP.
Tuy nhiên, mức độ tận dụng hiệp định và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối hạn chế. Phần lớn DN tận dụng được các FTA này là các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính,…, trong khi những DN liên quan đến nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam nhưng mức độ tận dụng chưa nhiều.
“Với những thị trường Việt Nam thúc đẩy thực thi FTA như CPTPP, tỷ trọng tận dụng thị trường còn rất hạn chế. Không chỉ CPTPP, những FTA thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA tỷ trọng tận dụng chỉ dưới 10%. Với những thị trường như CPTPP và Mexico và Canada, tỷ trọng này còn thấp hơn (dưới 2%) và tỷ lệ tận dụng ưu đãi với CPTPP năm 2022 chỉ khoảng gần 5%. Vì thế dư địa và cơ hội để DN tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn”, bà Phương thông tin.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Toyota Việt Nam cho biết, khi thực thi Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong Hiệp định. Trong tương lai, khi lộ trình áp dụng của Hiệp định CPTPP đối với ngành ô tô về 0% vào khoảng năm 2030 - 2031 thì cũng giúp cho công ty có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận những kết quả tăng trưởng tích cực về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP, đạt hơn 76 tỷ USD và tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài là các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam rất tích cực để tận dụng cơ hội, lợi thế từ hiệp định này.
Để tăng cường sự kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, ngoài những cam kết hợp tác thu hút đầu tư từ phía Chính phủ, bản thân các DN Việt Nam cũng cần tích cực nâng cao năng lực từ đó tạo ra cơ hội cho mình.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, có nhiều giải pháp khác nhau để các doanh nghiệp có thể tận dụng được CPTPP hay các FTA nói chung. Một trong số đó là kết hợp với các doanh nghiệp FDI để hình thành nên một chuỗi cung ứng. Bởi các doanh nghiệp FDI là những tập đoàn đa quốc gia, có năng lực về vốn, kinh nghiệm quản trị toàn cầu và có những công nghệ tiên tiến hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI thì có thể học hỏi từ “người khổng lồ” để lớn mạnh nhanh hơn và hội nhập quốc tế được tốt hơn.
Do đó, để có thể gia nhập vào chuỗi FDI hay sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thì bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực thay đổi để hấp thụ được những cơ hội trong các FTA.
Ngược lại, không phải chỉ doanh nghiệp Việt Nam thay đổi mà cần sự chung tay “có đi, có lại” của cả các doanh nghiệp FDI. Bởi, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng được hưởng lợi trên giá trị mảnh đất của Việt Nam, hưởng lợi từ các hiệp định như CPTPP. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI cũng cần nỗ lực đồng hành cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để có thể trưởng thành và đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI./.
So với các FTA khác, CPTPP khá đặc thù bởi nhiều thành viên đã có FTA song phương/đa phương trước đó với Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang tận dụng ưu đãi của những FTA cũ với các thị trường này. Tuy nhiên, với việc thực thi CPTPP, các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước thành viên CPTPP vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu như: Nhật Bản, Singapore, Australia…
Việc tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh. Và việc tham gia kết nối, liên kết với các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên của CPTPP trở thành lợi ích nổi bật cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định này.