Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của TP. Hồ Chí Minh

Nối tiếp những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023, Kỳ I Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 tập trung bàn luận các nội dung xoay quanh chủ đề “Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh” gồm 2 phiên Trù bị và Toàn thể.
1-1712982640.jpg
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Diễn đàn Pháp lý Đầu tư 2024 kỳ 1.

Trong đó, phiên Trù bị được triển khai nhằm lấy ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến hai chủ đề chính gồm: Lựa chọn loại hợp đồng PPP và yêu cầu về đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên trong hợp đồng; Nâng cao vai trò của khối tư nhân nhằm cải tiến, vận hành hiệu quả dự án PPP tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 12/4/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến của Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tiếp tục triển khai phiên Trù bị Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 (Kỳ I). Chương trình đã thu hút sự tham gia của đại biểu đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan nhà nước và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý.

Mở đầu phiên Trù bị Diễn đàn Pháp lý Đầu tư 2024, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá: “Nghị quyết 98 là văn bản có tính đột phá, là bước “giậm nhảy” để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, những quy định trong Nghị quyết 98 lại đặt ra nhiều tiền lệ vượt ngoài quy định hiện hành của cả nước, điều này nhiều phần gây ra sự lúng túng cho các nhà đầu tư và cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai, áp dụng quy định của Nghị quyết này. Như vậy, Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư là một kênh công cụ hữu hiệu để nhà đầu tư chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Có thể nói rằng, diễn đàn này là bước thực hiện hóa phương châm cốt lõi “yểm trợ pháp lý doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

2-1712982680.jpg
Diễn đàn Pháp lý Đầu tư 2024 kỳ 1 tập trung bàn luận các nội dung xoay quanh chủ đề “Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh”.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Với vai trò là cơ quan đầu mối, điểm đến cửa ngõ cho các vấn đề vướng mắc của nhà đầu tư hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố, ITPC đã tiếp nhận nhiều thông tin, kiến nghị từ doanh nghiệp. Các nhà đầu tư rất hoan nghênh nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam trong việc ban hành và nỗ lực đưa Nghị quyết 98 vào đời sống. Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công-tư (PPP), Nghị quyết đã mở ra cơ chế rất tích cực, do đó, TP.HCM có động lực để khởi động nhiều dự án theo Nghị quyết 98 trong 2024”. 

“Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương rà soát những bất cập để khởi động lại các công trình “đóng băng” và chuẩn bị khởi công những công trình mới như các dự án theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD; các dự án theo phương thức đối tác công tư PPP áp dụng các loại hợp đồng BOT, BT. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 98 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, nhu cầu lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp là hoàn toàn cần thiết, những sự kiện như ILS Forum chính là nơi để nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, các chuyên gia đối thoại, thảo luận những vướng mắc còn tồn tại, đặc biệt liên quan đến là các vấn đề pháp lý”, bà Cao Thị Phi Vân cho biết thêm.

3-1712982728.jpg
Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài phát biểu tại Diễn đàn Pháp lý Đầu tư 2024 kỳ 1.

Với mục tiêu lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phiên Trù bị được triển khai theo hình thức đối thoại với sự chủ trì của Trưởng Tiểu ban Công tác Diễn đàn Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN; Trưởng Tiểu ban Chuyên môn của Diễn đàn - LS Ngô Thanh Tùng - Luật sư thành viên VILAF, Trọng tài viên VIAC và các đại diện từ phía Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam); Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) cùng các chuyên gia hàng đầu có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và làm việc với nhà đầu tư nước ngoài như: TS. LS Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và LS Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC).

Các chuyên gia đã đánh giá về tiềm năng của các dự án mới theo Nghị quyết 98. Theo đó, Nghị quyết cho phép thực hiện các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa (là điểm mới so với Luật PPP hiện hành). Quy định này tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên, lại đang bỏ ngỏ về quyền quản lý, khai thác đối với các dự án cũng như cơ chế thu hồi vốn của nhà đầu tư. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể hay hướng dẫn chi tiết liên quan đến thời hạn nhà đầu tư quản lý, khai thác dự án, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư có gì khác biệt so với các dự án ở những lĩnh vực đã được quy định trong luật PPP trước đó. Như vậy, nhà đầu tư cảm thấy lúng túng và chưa thực sự sẵn sàng đầu tư.

Luật PPP hiện hành đã có quy định về cơ chế phân chia lợi nhuận và rủi ro, tuy nhiên, nhà đầu tư chưa thực sự thấy thoả đáng với tỷ lệ này. Hơn nữa, trong trường hợp doanh thu thấp hơn phương án tài chính, nhà đầu tư phải thông qua quy trình kiểm toán hết sức khắt khe. Do vậy, nhà đầu tư kỳ vọng trong tương lai sẽ có cơ chế hợp lý hơn.

Góp ý về các loại hợp đồng PPP được áp dụng, nhà đầu tư kiến nghị thành phố nên nghiên cứu áp dụng nhiều hình thức khác ngoài hợp đồng BOT và BT để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi lẽ, thứ nhà đầu tư thật sự hướng đến là một mô hình hợp tác, chia sẻ dài hạn chứ không chỉ là tập trung ngắn hạn như BT và BOT. Bên cạnh đó, các mẫu hợp đồng BOT hiện nay cũng rất cơ bản, nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu từ nhà đầu tư. Do đó, yêu cầu bổ sung, chi tiết hoá nhiều quy định trong hợp đồng mẫu BOT, có thể kể đến như: Quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan ký kết hợp đồng, quy định liên quan đến vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư, cơ chế doanh thu tăng, giảm là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo tính an toàn về mặt pháp lý, giảm thiểu rủi ro khi triển khai dự án.

Các ý kiến thu thập được từ phiên Trù bị sẽ được xử lý và chuyển tới các chuyên gia trong nhóm Chuyên môn của Diễn đàn (bao gồm nhiều luật sư, chuyên gia, trọng tài viên uy tín, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) để bàn luận và phản hồi nhà đầu tư tại phiên Toàn thể của Diễn đàn được tổ chức trong thời gian tới./.

Đạm Quang Lê