Bác sỹ nông học Lương Định Của không chỉ là một nhà khoa học tài ba mà còn là một người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần say mê khoa học và ý chí kiên cường vượt khó. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nhà khoa học và những người làm nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lương Định Của sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú), tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình trí thức giàu lòng yêu nước. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, ham học. Sau khi học xong bậc tiểu học tại Sóc Trăng và trung học tại Sài Gòn, ông được gia đình tạo điều kiện sang Nhật Bản du học vào năm 1939. Tại đây, ông theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tokyo (nay là Đại học Tokyo). Với sự thông minh và nỗ lực không ngừng, ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình học và được nhận bằng Cử nhân Nông học vào năm 1943.
Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và được Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học, học vị cao nhất ở Nhật Bản lúc bấy giờ. Ông là người trẻ nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản, một minh chứng cho tài năng và sự xuất sắc của ông. Năm 1945, Lương Định Của lập gia đình với Nobuko Nakamura, 23 tuổi, một nữ sinh viên quê ở Kyushu, vừa tốt nghiệp Đại học Nữ công.
Với sự thông minh, nghiêm túc và cần cù trong học tập, nghiên cứu, Lương Định Của đã tốt nghiệp, được nhận bằng Bác sĩ Nông học loại ưu. Đây là học vị cao nhất trong ngành Nông học Nhật Bản và Lương Định Của là người thứ 94 và là người trẻ nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản thời điểm này, một minh chứng cho tài năng và sự xuất sắc của ông trên nước Nhật. Chính phủ Nhật phong Lương Định Của là Giáo thụ trường Đại học Quốc lập Kyushu.
Nhưng với ông, tình yêu quê hương đất nước luôn cháy bỏng. Năm 1952, Nghe lời hiệu triệu của chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng tâm của người vợ Nhật, Lương Định Của và vợ cùng 2 người con đã xuống tàu sang Hồng Kông để tìm đường về nước. Từ bỏ một vị trí mà theo các chuyên gia lương không dưới 3 cây vàng/tháng để về nước trong hoàn cảnh chiến tranh thực sự là một quyết định không dễ dàng. Phải thực sự là một người có tình yêu đất nước sâu sắc. Được tin Lương Định Của về nước, Chính quyền thân Pháp ở Sài Gòn cử người đến tiếp xúc, hứa hẹn nhiều việc làm và chức vụ cho ông, kể cả kế hoạch giao cho ông phụ trách một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở Mỹ Tho.
Viện cớ mới về nước, không am hiểu được tình hình, nên ông chỉ nhận “một chân hợp đồng” ở Bộ Canh nông và ngấm ngầm tìm cách liên lạc với cơ sở kháng chiến. Sau gần 2 năm chờ đợi, Thành ủy Sài Gòn bí mật cử giao liên đưa gia đình ông theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954. Trong 2 năm đầu ở miền Bắc, Lương Định Của được phân công ở bộ phận Tổ lúa, rồi làm nhiệm vụ Phó phòng Khảo cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nông lâm. Nói đến Lượng Định Của không thể nói về vợ ông, một phụ nữ Nhật Bản thủy chung son sắt yêu chồng, thương con vô bờ bến. Bà là hậu phương vững chắc của chồng trên mỗi bước đường gian nan của thời chiến tranh.
Sau khi hòa bình lập lại, ông được giao nhiều trọng trách trong ngành nông nghiệp. Từ năm 1963 đến 1967, ông giữ chức Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp. Từ năm 1968 đến ngày mất (28 tháng 12 năm 1975), ông là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Ông cũng là đại biểu Quốc hội liên tục các khóa II, III, IV và V, thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân đối với những đóng góp của ông. Sự nghiệp khoa học của Lương Định Của gắn liền với những công trình nghiên cứu và cải tạo giống cây trồng, đặc biệt là lúa gạo. Ông được mệnh danh là “cha đẻ” của nhiều giống lúa mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam.
Một trong những thành tựu nổi bật của ông là việc lai tạo thành công giống lúa Nông nghiệp 1, giống lúa lai đầu tiên ở nước ta, được lai tạo giữa giống lúa Ba Thắc (Nam Bộ) với giống lúa Bun Kô (Nhật Bản). Giống lúa này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lúa gạo, giải quyết vấn đề lương thực cho đất nước trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu và lai tạo thành công nhiều giống lúa khác như giống lúa Mùa muộn, giống lúa Chiêm 314, giống lúa 388 (được phân lập từ dòng IR8 hay là Nông nghiệp 8), giống lúa Xuân sớm (Nông nghiệp 75-1),... Những giống lúa này không chỉ có năng suất cao mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau.
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu giống lúa, Lương Định Của còn có những đóng góp quan trọng trong việc cải tiến kỹ thuật canh tác. Ông đã đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ”, được hàng triệu nông dân Việt Nam áp dụng thành công trên diện rộng, tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Những phương pháp này giúp tiết kiệm nước, phân bón, giảm thiểu sâu bệnh, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ông luôn tâm niệm rằng khoa học phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Ông thường xuyên xuống đồng ruộng, trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm của họ. Tên ông từng được nông dân gọi liền với tên của sản phẩm một cách thân thiết: dưa ông Của, cà chua ông Của, khoai ông Của, lúa ông Của... Còn bạn bè trìu mến gọi ông là “nhà bác học của đồng ruộng”. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và là một nhà khoa học có uy tín trên thế giới.
Cuộc đời và sự nghiệp của Lương Định Của là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, lòng say mê khoa học và ý chí kiên cường vượt khó. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Những đóng góp của ông đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và tôn vinh. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1967. Tên tuổi của ông đã trở thành biểu tượng cho sự cống hiến, tài năng và đức độ của người trí thức Việt Nam. Tên ông được đặt cho một con đường ở thủ đô Hà Nội. Tỉnh Sóc Trăng quê hương ông đã xây dựng nhà tưởng niệm ông.
Ngày nay, những thành tựu của Lương Định Của vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy. Các thế hệ nhà khoa học và những người làm nông nghiệp Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn của ông, tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế. Cuộc đời ông luôn gắn bó với đồng ruộng và luôn ước mơ người nông dân giàu lên từ đồng ruông, sinh thời ông luôn sắn quần lội ruông như một người nông dân thực thụ. Ông mất khi còn khá trẻ, một mất mát vô cùng lớn với đất nước, với dân tộc nhưng tên tuổi Lương Định Của sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử nông nghiệp và đất nước Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ mai sau./.