Tác động sâu rộng từ Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững Doanh nghiệp

Việc tuân thủ Chỉ thị CSRD là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hành phát triển bền vững ngày càng chặt chẽ từ các thị trường lớn như EU.
dn-fdi-1711857668.jpg
Chỉ thị CSRD là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ PwC Việt Nam, Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp (Chỉ thị CSRD), được Liên minh Châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12/2022 và chính thức có hiệu lực cho các báo cáo phát hành từ năm tài chính 2024 (trừ một số ngành và các doanh nghiệp không đặt trụ sở tại EU sẽ cần tuân thủ từ năm 2026).

Theo đó, Chỉ thị CSRD/ Tiêu chuẩn báo cáo ESRS nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là bởi Chỉ thị CSRD mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện như các tiêu chuẩn và khung hướng dẫn báo cáo PTBV hiện hành như Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB)...

Quan trọng hơn, Chỉ thị CSRD sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi châu Âu. Một trong những bước tiến lớn của Chỉ thị CSRD trong việc đẩy mạnh thực hành PTBV là thay vì chỉ tập trung vào dấu chân môi trường của bản thân doanh nghiệp, CSRD nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội.

Tại Việt Nam, Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ vì trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án FDI tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này.

dn-1711857668.jpg
Sử dụng tài nguyên và kinh tế tuần hoàn là một trong những yêu cầu báo cáo của doanh nghiệp theo Chỉ thị CSRD. Ảnh minh họa

Với việc một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu, sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp này đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo PTBV để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu. Điển hình là doanh nghiệp FDI châu Âu và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu tại Việt Nam.

Đới việc công ty mẹ của doanh nghiệp FDI thường là các tập đoàn quy mô lớn, có nhiều khả năng phải bắt đầu báo cáo theo Chỉ thị CSRD từ năm tài chính 2024, doanh nghiệp FDI sẽ cần thu thập dữ liệu kịp thời theo thời hạn này. Doanh nghiệp FDI cũng nên chủ động cập nhật với công ty mẹ về thời gian cần tuân thủ theo Chỉ thị CSRD để có kế hoạch triển khai phù hợp.

Do đó, doanh nghiệp FDI châu Âu tại Việt Nam nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD cũng như Tiêu chuẩn báo cáo ESRS. Cụ thể, sử dụng tài nguyên và kinh tế tuần hoàn; Đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Các vấn đề xã hội và nhân quyền.

Khác với nhóm doanh nghiệp FDI, nhóm doanh nghiệp này sẽ cần thực hiện nhiều công tác chuẩn bị hơn để đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp đối tác tại châu Âu nhằm tuân thủ theo Chỉ thị CSRD. Một trong những lý do chính là không có sự hướng dẫn trực tiếp từ các đối tác có hiểu biết về môi trường kinh doanh và việc thực hành PTBV tại Việt Nam. Với hạn chế này, doanh nghiệp nên trao đổi với các đối tác châu Âu về việc họ có cần tuân thủ CSRD hay không, và nếu có thì thời hạn phải tuân thủ là khi nào để có thể lên kế hoạch phối hợp một cách phù hợp.

Theo đó, doanh nghiệp Việt thuộc chuỗi giá trị của đối tác châu Âu nên lưu ý các yêu cầu sau: Phát thải khí nhà kính; Đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Các vấn đề xã hội và quyền con người.

Chỉ thị CSRD có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ các mắt xích trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có hoạt động tại thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có liên quan vì thế cần theo dõi sát sao và sớm nắm bắt các yêu cầu tuân thủ Chỉ thị CSRD để duy trì tính cạnh tranh và phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp tại châu Âu, cũng như có các kế hoạch thực hiện kịp thời.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hành PTBV ngày càng chặt chẽ từ các thị trường lớn như EU - PwC Việt Nam nhấn mạnh./.

Đông Nghi