8 năm trôi qua tính từ thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) ra “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam về việc khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Toàn hệ thống chính trị, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương có liên quan đã nỗ lực gỡ “thẻ vàng EC” với tinh thần, trách nhiệm cao.

Thực tế cho thấy việc nắm rõ quy định của pháp luật là điều kiện tiên quyết trong nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp và công tác xử lý vi phạm hành chính là nội dung mang tính then chốt. Các cơ quan, ban ngành cần trao đổi, phân tích và nắm rõ kiến thức, quy định hiện hành, chủ động áp dụng vào thực tiễn nhằm thực hiện nghiêm các yêu cầu mà EC đặt ra. Địa phương nào chủ động thực hiện tốt và nghiêm túc sẽ thu về kết quả tương xứng.
Nghệ An là một trong những địa phương sở hữu số lượng phương tiện khai thác rất lớn. Qua rà soát của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, tính đến ngày 30/3/2025, tỉnh Nghệ An có 3.462 tàu, thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) là 2.565 chiếc, đã có 2.318 chiếc được đăng ký (đạt 90,37%) và được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase (đạt 100%). Số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.234/1.576 tàu thuộc diện phải đăng kiểm (đạt 78,3%) và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác.
Số tàu cá đã cấp Giấy chứng nhận ATTP còn hạn là 935/1.085 tàu, đạt 86,18% so với tổng số tàu cá phải cấp và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. Số tàu đã cấp phép đang còn hạn là 2.211/2.318 tàu thuộc diện phải cấp phép (đạt 95,38%) và đạt 100% số tàu đang hoạt động. Tổng số tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT là: 1.052/1.085 chiếc thuộc diện phải lắp, đạt tỷ lệ 96,95%. Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị GSHT là 33 chiếc, chiếm tỷ lệ 3,05%.

Cũng theo Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An, mặc dù đã hoàn thành xóa danh sách gồm 614/614 tàu “3 không” cuối năm 2024 nhưng do các giấy tờ đánh bắt được cấp theo nhiều thời điểm nên gần như lúc nào cũng có tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 424/SNNMT-TSKN về niêm yết công khai tàu cá có nguy cơ cao vi phạm hoạt động khai thác IUU. Theo đó, trong số 295 tàu cá nguy cơ cao vi phạm hoạt động khai thác IUU, thị xã Hoàng Mai có 100 tàu gồm 28 tàu có chiều dài tối đa trên 15m và 72 tàu có chiều dài tối đa dưới 15m; huyện Quỳnh Lưu có 53 tàu gồm 27 tàu có chiều dài trên 15m và 26 tàu dưới 15m; Diễn Châu 53 tàu gồm 30 tàu trên 15m và 23 tàu dưới 15m; Nghi Lộc 24 tàu đều có chiều dài dưới 15m; TP Vinh có 65 tàu gồm 1 tàu dài 24m và còn lại là dưới 15m.

Nhằm tăng cường kiểm soát và ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá năm 2025. Đây là bước đi quan trọng trong công tác thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đồng thời chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.
Thực hiện kế hoạch số 62/2025/KH-UBND, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp & Môi trường phối hợp với Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư thành lập đoàn liên ngành thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng biển ven bờ. Đợt kiểm tra này sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11/2025, được chia thành nhiều giai đoạn cao điểm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.
Mục tiêu chính của kế hoạch là phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định khai thác thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương trong công tác chống khai thác IUU. Đoàn công tác sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi khai thác của ngư dân theo đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Quá trình tuần tra, kiểm tra sẽ được thực hiện nghiêm minh, công khai, khách quan theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng như ngư dân. Đặc biệt, các hành vi tiêu cực như sách nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác sẽ bị nghiêm cấm.
Sau khi đã xử lý cơ bản tình trạng tàu cá “3 không” vi phạm trong năm 2024, năm 2025 đoàn kiểm tra sẽ tập trung giám sát việc tuân thủ các quy định về giấy phép khai thác thủy sản, hoạt động khai thác trong vùng cấm, trong thời gian cấm, sử dụng ngư cụ bị cấm, cũng như các hành vi vi phạm khác như khai thác sai vùng, sử dụng công cụ kích điện, chất nổ, chất độc để đánh bắt.
Ngoài ra, công tác kiểm tra sẽ chú trọng giám sát việc ghi chép và nộp nhật ký khai thác, thực hiện quy định về thiết bị giám sát hành trình và đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá.
Đặc biệt, thời gian qua, các hoạt động tập huấn, tuyên truyền được Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các ngư dân trong chấp hành quy định của Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU; không để xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản của Việt Nam.
Với những biện pháp quyết liệt, UBND tỉnh Nghệ An kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nghề cá, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá bền vững theo quy định IUU./.
(Còn tiếp...)