Những thập kỉ trước, nghị quyết của Đảng đề ra đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu. Bây giờ, trong điều kiện đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tương lai được kì vọng về một quốc gia phát triển vào dịp kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) nhất định sẽ là hiện thực.
Để đạt mục tiêu đó, Hội nghị Trung ương 6 xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, rộng lớn, vừa mới mẻ vừa đứng trước thách thức. khó khăn, chưa có tiền lệ. Làm thế nào dự báo sát thực tiễn, bước đi không chệch hướng, bảo đảm quy hoạch có tính khả thi cao. Bản thiết kế cho tương lai như một sơ đồ có tính toán, điều quan trọng là ý chí quyết tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả, bảo đảm bền vững. Điều này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, bao quát, hành động quyết liệt vì sự phát triển bền vững của đất nước chứ không như đánh cờ đi từng nước một cầm chừng…
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ có thể thành công bằng nỗ lực ưu tiên cho việc hình thành cơ bản hệ thống bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quan trọng, hình thành “đầu tầu” lôi cuốn sự phát triển đồng bộ quốc gia, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, v. v…
Phương châm là chọn con đường đi đúng nhất, hướng đi tốt nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất để đạt mục tiêu. Giải pháp bảo đảm đi tới thắng lợi là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có hiệu lực cao và không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Giải pháp trước hết tập trung triển khai ba đột phá chiến lược: Một là, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hai là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia.v.v…
Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ lựa chọn. Phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào nội lực, nguồn lực lao động chất lượng cao và khoa học công nghệ tiên tiến, giành năng suất cao, đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi số mạnh mẽ. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước hết phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng lợi thế cạnh tranh, bảo đảm tự chủ kinh tế quốc gia thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Định hướng cho quá trình chuyển đổi quan trọng này, nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao trình độ tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”. Đi đôi với phát triển kinh tế là không ngừng xây dựng, phát triển văn hoá (trong đó có công nghiệp văn hoá) và con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, bảo đảm duy trì chính sách thân thiện với môi trường, quản lí, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lí, có cơ chế, chính sách về khai thác nguồn năng lượng sạch gắn với tái tạo năng lượng. Trong quá trình phát triển ấy, không ngừng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trên tinh thần đại đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, nước ta có nhiều lợi thế để cất cánh. Về chủ quan dân tộc ta có truyền thống yêu nước và cách mạng, dân số đông (đứng thứ 13 trên thế giới) và còn đang trong giai đoạn “dân số vàng” với hơn 55 triệu người lao động cần cù, sáng tạo. Đảng lãnh đạo trực tiếp có đường lối độc lập, tự chủ đúng đắn, trải qua hơn một phần ba thế kỉ thực hiện đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng. Về khách quan, nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế về địa lí, vị trí quốc tế và khu vực, giàu tiềm năng về tài nguyên và nguồn lực nội sinh, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng theo tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bình đẳng các bên cùng có lợi, cùng phát triển.v.v…
Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kì khóa VII của Đảng (tháng 01/1994) xác định 4 nguy cơ: (1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp; (2) Nguy cơ sai lầm đường lối đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Nguy cơ tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí và (4) Nguy cơ “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động. Sau 36 năm thực hiện đường lối đổi mới cũng như thực hiện Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh 2011, đất nước từng bước đã đẩy lùi các nguy cơ trong hiện thực. Tuy nhiên, nổi cộm nhiều năm qua với 2/4 nguy cơ nghiêm trọng đòi hỏi giai đoạn từ nay đến năm 2050, cần tập trung giải quyết 2 “nguy cơ” chi phối, cản trở, làm chậm bước phát triển là “nguy cơ tụt hậu” và “nguy cơ tham nhũng”.
Về nguy cơ tụt hậu: Nước ta so với nhiều nước đang phát triển và các nước phát triển còn rất nhiều thua kém. Đó là, thể chế chưa đồng bộ, hoàn thiện; sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu; công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa tương xứng yêu cầu nên nguồn lao động chất lượng cao tỉ lệ chưa cao, năng suất lao động thấp kém; hạ tầng giao thông không đồng bộ (đường cao tốc còn ít, các đô thị lớn phát triển metro ì ạch, đường sắt lạc hậu nhất thế giới, v.v…); Năm 2022, tuy mức tăng trưởng (GDP) đang là tốp đầu của thế giới, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, không có suy giảm nhưng giá trị tuyệt đối của tăng trưởng rất thấp, nợ công cao, giá trị đồng tiền rất thấp,v.v… Bộ máy hành chính còn rất cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, đan xen. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quá đông, cấp phó ở mọi tổ chức, cơ quan còn nhiều, v.v…
Về nguy cơ tham nhũng vẫn hiện hữu là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”. Từ cơ quan Nhà nước, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức đến nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân,v.v…tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra phức tạp, tinh vi, có tổ chức, quy mô các vụ ngày càng lớn, gây thiệt hại nhiều cho nền kinh tế-xã hội, kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển đất nước.
Với chiến lược mang tầm thời đại trong giai đoạn mới, trước hết Đảng cầm quyền phải tự hoàn thiện mình. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là vấn đề cốt yếu, vấn đề rường cột, cần nắm chắc “thời” và “thế” trong mọi việc. Giữ vững tập trung, dân chủ là nguyên tắc bao trùm, xuyên suốt theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả. Không nên tồn tại các bộ máy song trùng giữa Đảng và các thành viên khác trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện cơ chế, mối quan hệ hữu cơ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lí - Nhân dân làm chủ theo hướng Đảng “hoá thân” trong bộ máy Nhà nước và các thành viên khác của hệ thống chính trị, đồng thời hoàn thiện cơ chế và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chức năng lãnh đạo giữ vai trò sống còn của Đảng và chế độ. Thực hiện đúng Hiến pháp, luật pháp, Điều lệ Đảng, các quy chế trong Đảng (đối với cán bộ, đảng viên của Đảng) chứ không phải Đảng là người đứng bên trên hay bên cạnh. Không một tổ chức, cá nhân nào được phép đứng ngoài, hay đứng trên pháp luật, trên các nguyên tắc của Đảng. Đảng không làm thay công việc của chính quyền nhưng cũng không đứng ngoài cuộc trong mọi việc. Từ đó, đòi hỏi Đảng không ngừng nâng cao “khâu then chốt” là chất lượng cán bộ. Cán bộ và công tác cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn bó với vận mệnh của Đảng, của đất nước và sự tồn vong chế độ. Trong nhiệm vụ này, chọn người đứng đầu có phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng là yêu cầu cấp bách.
Để chiến lược phát triển đạt mục tiêu đi tới đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần thúc đẩy 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi). Mặt khác, nhân tố rất quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh 4 cuộc cải cách xã hội: Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách giáo dục và cải cách chế độ tiền lương đồng bộ, nhịp nhàng làm cơ sở cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội và hội nhập quốc tế thành công, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.