Sơn La là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, với 274,065 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Dân số toàn tỉnh 1,239 triệu người, gồm 12 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 11 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 204 xã phường, thị trấn, trong đó có 202 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 126 xã khu vực III; 10 xã khu vực II và 66 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Giảm 01 xã khu vực III, 01 xã khu vực II do đạt nông thôn mới, hiện còn 125 xã khu vực III; 09 xã khu vực II và 68 xã khu vực I; có 1.449 bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc. Tỉnh trên địa bàn 6 huyện; 286 bản; trong đó có 73 bản giáp biên giới.
Tỉnh Sơn La đã thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp giữa các ngành, địa phương, cơ quan trung ương thuộc Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban công tác về các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài giới thiệu nhu cầu tài trợ của tỉnh, định hướng các nhà tài trợ và thu hút các chương trình, dự án vào vùng đồng bào dân tộc ít người, các huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài thực hiện các chương trình dự án tài trợ, thực hiện các cam kết về vốn đối ứng, cắt giảm, hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục hành chính, phối hợp thực hiện công tác đoàn vào, tăng cường công tác quản lý chương trình, dự án; phối hợp quản lý người nước ngoài theo quy định.
Về chương trình, dự án và giá trị viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO), hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp nhận và cho phép triển khai 09 dự án với tổng vốn cam kết tài trợ là 2.773.232 USD. Trong giai đoạn 2021 -2025 có 04 dự án với tổng vốn cam kết tài trợ là 1.169.644 USD đang trong quá trình thẩm định, đề xuất cho phép triển khai tại tỉnh Sơn La. Các dự án cơ bản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa bàn triển khai chủ yếu tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao năng lực cán bộ địa phương.
Đối với các chương trình, Dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp nhận và triển khai 02 dự án với tổng vốn đầu tư là 22.410.000 USD. Các dự án đang được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 có 04 dự án với tổng vốn đầu tư là 50.500.500 USD đang trong quá trình thẩm định, đề xuất phê duyệt triển khai tại tỉnh Sơn La. Các dự án ODA trong quá trình thực hiện đang được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Nhà tài trợ và các cấp chính quyền ở địa phương quan tâm triển khai thực hiện, theo quy trình quản lý chặt chẽ nên đảm bảo tính hiệu quả khi thực hiện các dự án. Các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh đã góp phần sắp xếp bố trí và dần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Với tổng số nguồn lực tài chính vốn nước ngoài huy động được của tổ chức, cá nhân nước ngoài cùng với các nguồn vốn khác trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư, tạo nguồn lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân./.