Sơn La: Tăng mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Sơn La có 83.000 ha cây ăn quả các loại với sản lượng trên 362.000 tấn/năm. Sơn La là tỉnh dẫn đầu miền Bắc về diện tích, sản lượng cây ăn quả với nhiều sản phẩm chủ lực có mặt trên các thị trường trong nước, quốc tế.

Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có 281 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp, với trên 4.600 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sơn La còn đặc biệt quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; với 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có 3 chỉ dẫn địa lý là Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn huyện Yên Châu, cà phê Sơn La; cùng 18 nhãn hiệu chứng nhận và 3 nhãn hiệu tập thể.

nhan-sla-1681113646.jpg
Tỉnh Sơn La định hướng trong các năm tới tiếp tục phát triển cây ăn quả theo quy mô tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả. (Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường)

Được biết, Sơn La đang tiếp tục triển khai xây dựng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực gồm: Gạo Phù Yên; Thanh long Sơn La và Rượu Hang Chú Bắc Yên. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài, tỉnh đang triển khai dự án đăng ký bảo hộ sang Trung Quốc cho 2 sản phẩm Xoài và Nhãn Sơn La.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, để đảm bảo điều kiện xuất khẩu, Sơn La sẽ đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất sạch cho cây trồng; tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quan tâm đến quy trình thu hái, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

xoai-1681113736.jpg
Nông dân Yên Châu (Sơn La) bao trái xoài, đảm bảo mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: VOV)

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển cây ăn quả theo quy mô tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 104.800 ha và sản lượng đạt trên 596.500 tấn. Tập trung quản lý sản xuất cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu các loại quả (Nhãn, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ,...) sang các thị trường (Úc, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc,...) đạt khoảng 15.000 ha và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu trên 100.000 - 200.000. Phát triển đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 100.000 ha cây trồng đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến của các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản.

Để xây dựng được các vùng trồng cây ăn quả có chất lượng tốt, đáp ứng được các quy định để xuất khẩu, tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều giải pháp gồm:

Tập trung phân loại, xác định diện tích trồng cây có lợi thế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển cây trồng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học thông qua liên kết sản xuất các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX với hộ dân, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm đưa vào sản xuất, kinh doanh các giống cây trồng mới có năng xuất cao, chất lượng tốt; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; quản lý, giám sát các mã số vùng trồng và hướng dẫn sản xuất theo quy định.../.

Năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả và cây Sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt trên 83.000 ha, trong đó một số loại cây ăn quả chủ yếu như: Xoài 19.985 ha, Nhãn 19.643 ha, Chuối 5.802 ha, Mận 11.736 ha, cây ăn quả có múi 4.957 ha, Sơn tra 12.411 ha... Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi, trồng mới được trên 60.000 ha cây trồng khác sang cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng tổng diện tích cây ăn quả; ghép cải tạo 13.109 ha cây ăn quả bằng các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch; tập trung phát triển vùng nguyên liệu trên 1.700 ha cho nhà máy chế biến của DOVECO. Toàn tỉnh Sơn La hiện có 221 vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trên 4.608 ha diện tích cây ăn quả được gắn mã số; duy trì 166 chuỗi quả an toàn với diện tích 3.657 ha, sản lượng 44.720 tấn/năm; có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; 18 sản phẩm cây trồng được bảo hộ trong nước, 02 sản phẩm được bảo hộ tại thị trường nước ngoài.

Ánh Dương (t/h)