Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 2.000 cây giống, 8.000 quyển tập từ các đơn vị tài trợ. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng trao tặng 30 phần quà cho hộ nghèo, 50 suất học bổng, mỗi suất 300 ngàn đồng và 5 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển thị xã Vĩnh Châu.
Bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng cho hay, rừng ngập mặn đã và đang đem lại nhiều lợi ích sinh thái quan trọng đối với cuộc sống của con người. Rừng góp phần bảo vệ bờ biển chống sạt lở, triều cường, giảm thiểu xói mòn bờ biển, ứng phó với thực trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ đôi bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ đê biển. Khi rừng ngập mặn tự nhiên được trồng đủ rộng sẽ tạo thành bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị sạt lở. Thông qua những lợi ích rừng đem lại, hàng năm đơn vị đều phối hợp các đơn vị liên quan, các tổ chức triển khai các đợt trồng rừng, nhằm mở rộng và phát triển diện tích rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển.
Được biết, sau lễ phát động Ban Tổ chức và đại biểu đã tiến hành trồng 2.000 cây mắm tại khu vực bờ biển Hải Ngư, phường 1, thị xã Vĩnh Châu.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Võ Đăng Khoa, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thông tin, mục đích của việc tổ chức trồng rừng phòng hộ ven biển nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo và trách nhiệm của thanh niên tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, trong các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; đồng thời, hoạt động trồng rừng góp phần lan tỏa Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, cùng phong trào hãy làm sạch biển của tuổi trẻ./.