Số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng

Nhằm cung cấp thêm thông tin đa chiều về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề "Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam".
z5880732490666-341a64061ee275d2c63d5a137560faee20240930102601-1727690270.jpg
Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề "Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam". (Ảnh BCT)

Thông tin về các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại hội nghị, bà Trương Thùy Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.

Do vậy, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (ở một số nước, như Hoa Kỳ, còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế).

Điều này khiến số lượng vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc.

Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Năm 2020 là năm chúng tôi phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.

Trong thời gian qua,, trước viễn cảnh các vụ kiện trong lĩnh vực PVTM sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại mong muốn Thương vụ tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin cho Cục PVTM; Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM; Hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; Hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra; Hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra WTO trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà nhà không thể bố trí tham gia.

Là mặt hàng thường xuyên phải đối diện với việc điều tra PVTM, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Kể từ vụ việc đầu tiên đến 8/2024, các vụ việc PVTM liên quan đến sản phẩm thép là 78 vụ việc (chiếm khoảng hơn 30% số lượng các vụ việc PVTM liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài), trong đó Kiện chống bán phá giá (45 vụ), Kiện chống trợ cấp (4 vụ), Kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp (7 vụ); Kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ); Kiện chống lẩn tránh thuế PVTM (9 vụ). Tính theo quốc gia áp dụng các biện pháp PVTM thì Mỹ (18 vụ), Malaysia (9 vụ), Canada (8 vụ), Thái Lan (7 vụ), Ấn Độ (5 vụ), EU và Indo có số vụ bằng nhau (4 vụ), Mexico (3 vụ), và các quốc gia khác.

thep-1727690207.jpg
Mặt hàng thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao. (Ảnh minh họa)

Việc phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại, gây tốn kém công sức, tiền của của DN và nhà nước, do đó VSA đề nghị Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; Hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; Hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu, v.v.

Tăng cường hỗ trợ tham vấn hoặc tham gia cùng các doanh nghiệp trong các phiên tham vấn công khai tại nước khởi kiện trong trường hợp mà đại diện ngành hàng, nhà SX/XK không thể bố trí tham gia.

Mặc dù, các vụ việc PVTM là một thách thức rất lớn và gây ra tốn kém cho ngành thép Việt Nam, nhưng cũng là một cơ hội để doanh nghiêp thép nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng vào thị trường thép toàn cầu và nền kinh tế thế giới. – Đại diện VSA cho hay.

Chia sẻ về tình hình PVTM tại Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho hay: Các vụ việc điều tra thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Canada đối với Việt Nam còn hiệu lực chủ yếu là sắt thép, ghế bọc đệm (trước đây còn có giày dép, tỏi), đặc biệt là đối với ngành sắt thép/luyện kim.

Do đó, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc PVTM liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.

Ngoài ra, để giúp các doanh nghiệp chủ động phòng tránh bị cáo buộc bán phá giá/lẩn tránh biện pháp PVTM, Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định CPTPP, hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thoả mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác hiệu quả và bền vững các Hiệp định thương mại tự do./.

Đông Nghi