Hàng hóa xuất khẩu và biện pháp phòng vệ thương mại
Theo một số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Trong năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; lũy kế đến hết năm 2023 là hơn 235 vụ việc.
Theo các chuyên gia, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam đạt được những thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, chính từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ của họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nhờ tận dụng tốt các thông tin cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, qua đó ứng phó hiệu quả với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, giảm tác động đến hoạt động xuất khẩu nói chung và nông sản nói riêng.
Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ đã tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), càng hội nhập sâu rộng, càng phải nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ luật chơi quốc tế, đặc biệt là với những thị trường có nhiều quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Những nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải lưu ý tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS), để tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát, hoặc tăng tần suất kiểm soát ở biên giới, hay nặng hơn là yêu cầu thêm chứng nhận phân tích mẫu khi xuất khẩu.
“Các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp, Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối, tiếp nhận những thông tin thay đổi đầu tiên về xuất khẩu, những thay đổi các quy định từ các đối tác thương mại. Do vậy, SPS thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn để góp ý, khuyến cáo DN cũng như người sản xuất thường xuyên cập nhật, để đáp ứng các quy định của nước xuất khẩu và đối tác về thương mại”- ông Nam cho biết.
Chia sẻ về nội dung này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, việc bị áp thuế phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các thị trường không bị áp thuế khác. Mặt khác, các mức thuế cao đánh vào các sản phẩm của Việt Nam ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể kéo dài trong nhiều năm.
Trong nhiều trường hợp, mức thuế quá cao có thể khiến doanh nghiệp phải từ bỏ thị trường. Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu, cản trở việc mở rộng thị phần. Ngoài ra, việc bị kiện phòng vệ thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những thủ tục phát sinh làm hao tốn thời gian và nguồn lực…
Cộng cụ hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại
Để ứng phó với phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại và kỹ năng sử dụng công cụ này. Cũng theo bà Trang, các doanh nghiệp cần phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp.
“Bởi các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đòi hỏi việc cung cấp các số liệu, bằng chứng về chi phí sản xuất hàng hóa, các giấy tờ giao dịch liên quan của các lô hàng trong giai đoạn điều tra (thường là trong vòng 1 năm liền trước vụ kiện), mà khi vụ kiện đã xảy ra thì doanh nghiệp không thể quay trở lại để sắp xếp”, bà Trang lý giải.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho biết, do khối lượng công việc phải làm, các chứng từ số liệu phải cung cấp trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại thường rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng lại rất ngắn.
“Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước từ sớm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại, bởi các vụ kiện ở nước ngoài thường rất tốn kém tiền của, công sức, do đó cần sự đầu tư sẵn sàng”, bà Trang nói.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài- Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong vụ việc, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là Hoa Kỳ. Đặc biệt, hầu hết thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.
Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) dẫn đến xuất khẩu tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Hằng Nga, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó. Đồng thời, tăng cường tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại đã cung cấp thông tin sớm giúp doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc, quy trình điều tra, công việc cần thực hiện và kịch bản có thể xảy ra để doanh nghiệp xây dựng chiến lược ứng phó.
Lý giải rõ hơn về cơ chế cảnh báo sớm, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, hệ thống này đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường; trong đó, có nhiều thị trường xuất khẩu chủ yếu, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như: Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ... Cục Phòng vệ thương mại sẽ định kỳ lọc ra những mặt hàng nào có nguy cơ cao, khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại.
"Việt Nam với chủ trương tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, chủ động tích cực quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế vì thế đã trở thành luồng thu hút đầu tư quốc tế. Vì vậy, xu hướng điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới", ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh./.
Để hạn chế được những rủi ro cũng như ứng phó hiệu quả hơn với vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm thông tin, kiến thức cơ bản và quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình.
Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần xác định tâm thế và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Hơn nữa, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ… để đảm bảo hoàn thiện đầy đủ, chính xác, khoa học và có thể truy xuất và xác minh. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp, thông qua sự tập hợp của hiệp hội để cùng chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung. Đáng lưu ý, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh cân đối, hài hòa, tránh "bỏ trứng vào một giỏ" để tránh rủi ro.