Sầu riêng tận dụng cơ hội vào Trung Quốc

Cũng giống như một số loại trái cây khác, sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đây là một tín hiệu mừng mở ra cơ hội phát triển mặt hàng này của nước ta, nhưng loại quả này cũng cần tuân thủ nhiều yêu cầu để có thể đứng vững lâu dài trên thị trường Trung Quốc.
capture5-1659766884.png
Sầu riêng là loại quả thứ 11 được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Cơ hội

Đến nay sầu riêng là loại quả thứ 11 được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sau chanh leo. Đây là tín hiệu vui với những người nông dân, và cả doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Bởi lợi thế về vị trí địa lý, cung ứng quanh năm, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2021, cả nước có 84.800 ha sầu riêng, sản lượng 700 nghìn tấn/năm, tập trung  ở Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Do đó, nước ta hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất sầu riêng để rải vụ thu hoạch nhiều tháng trong năm. Doanh nghiệp có thể lên kế hoạch để xuất khẩu sầu riêng ở mọi thời điểm sang Trung Quốc. Bởi Trung Quốc tiêu thụ sầu riêng khá lớn, trong khi nước này có một số ít địa phương trồng sầu riêng, như: Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam, tuy nhiên sản lượng không nhiều.

Vừa qua, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

So với cây công nghiệp truyền thống dài ngày khác như: Cà phê, hồ tiêu, điều, chè... sầu riêng đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng.

Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho biết: So với nhiều loại cây trồng khác, nhiều năm qua, hiệu quả kinh tế mà cây sầu riêng mang lại đang đứng vị thế số một. Vì vậy, bà con nông dân đã chú trọng đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn sầu riêng.

Ông Chiến cũng cho biết thêm, hiện Đạ Huoai có hơn 3.700 ha sầu riêng các loại, tập trung nhiều nhất tại các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai... Giá sầu riêng cao, ổn định, nhiều bà con nông dân đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích cũng như đưa nhiều giống sầu riêng có xuất xứ nước ngoài về trồng như sầu riêng Musang King, sầu riêng Thái... Đây là những giống cây trồng mới, cần được đánh giá, khảo nghiệm ở địa phương, người dân cần hết sức thận trọng.

Giải quyết các khó khăn

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển cây sầu riêng, nhưng cũng giống như các ngành chế biến xuất khẩu nông sản khác, việc sản xuất, chế biến sầu riêng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện, Việt Nam không nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng cũng là cả một quá trình dài nếu nhìn lại cách thức trồng sầu riêng hiện nay.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng đều phải có hồ sơ xuất khẩu, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp, HTX phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì. Những yêu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc chất lượng chính là điều kiện quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch hiện nay. Để làm được điều này, các HTX, nhà vườn đã mất không ít thời gian chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói…

farmers-businesses-trained-for-forming-durian-growing-areas-packaging-facilities-for-exports-to-china-1659766884.jpg
Cần tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc cam kết.

Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Những năm gần đây, nhu cầu bùng nổ cộng với chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến giá sầu riêng tăng. Giá trung bình của sầu riêng tươi ở Trung Quốc tăng lên 4,0 USD/kg vào năm 2020 và  5,11 USD/kg năm 2021.

Mặt khác, doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản đông lạnh do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “Zero Covid”.

Theo các chuyên gia, để việc xuất khẩu sang Trung Quốc được bền vững, cần tăng cường liên kết khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với sản xuất sản phẩm cuối, giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp trong nước với FDI; áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường.

Để nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc, tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc cam kết, việc đẩy nhanh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của doanh nghiệp, HTX, nhà vườn.

Một yếu tố quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc là phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất. Do đó, cần sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc giám sát vùng trồng nhằm đảm bảo cho các sản phẩm sầu riêng được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

1601578-1659766884.jpg
Cần liên kết hình thành chuỗi giá trị, cũng là một yếu tố quan trọng để đưa sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Song song với đó, cần liên kết hình thành chuỗi giá trị, cũng là một yếu tố quan trọng để đưa sầu riêng đi chính ngạch sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững. Các doanh nghiệp liên kết với HTX để sản xuất sầu riêng theo quy trình chuẩn, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch sẽ nâng cao thêm hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho nông dân, HTX cũng như doanh nghiệp.

Thực tế, để xuất khẩu sầu riêng bền vững chỉ người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia là chưa đủ. Thời gian tới, các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương phải có trách nhiệm cùng doanh nghiệp, người dân thường xuyên giám sát các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định.