Sàn thương mại điện tử đưa nông sản Việt vươn ra thế giới

Lâu nay, nông dân Quảng Trị luôn gặp khó trong tiêu thụ nông sản, các loại sản phẩm nông nghiệp chỉ bán tại địa phương và trong nước. Từ khi nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử, sản phẩm của bà con được tiêu thụ rộng rãi. Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài, thậm chí bán được ở các thị trường khó tính như Mỹ.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Quảng Trị có 90 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng vẫn bán theo cách truyền thống như: phân phối, bán lẻ, bán ở các chợ... Cuối năm 2021, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Quảng Trị ký thoả thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Đến nay, đã có 60 gian hàng với 350 sản phẩm nông nghiệp của hơn 70 nhà cung cấp trong tỉnh, chủ yếu là hàng nông sản và sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị khẳng định, sàn thương mại điện tử đã tăng khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân: “Chúng tôi đã đưa sản phẩm vào chuỗi các bưu cục và trên sàn thương mại điện tử Post Mart.vn, chủ yếu là sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong đó, 10 gian hàng điện tử trên sàn là gian hàng đặc trưng của từng huyện, thị, thành phố tại Bưu cục tỉnh. Đây là một bước trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị liên quan đến tiêu thụ đầu ra nông sản cho bà con nông dân”.

khai-chuong-1673577411.jpg
Khai trương gian hàng kết nối thương mại điện tử.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 3 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Alibaba.com là nền tảng thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên toàn cầu. Bà Lê Thị Hồng Nhạn, chủ 1 cơ sở sản xuất dược liệu ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là từ khi tiếp cận sàn thương mại điện tử, sản phẩm cao dược liệu được xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

“Mục tiêu của chúng tôi sẽ mở rộng ứng dụng thêm nhiều loại máy móc, chế biến các loại sản phẩm để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng. Chúng tôi liên kết với các đơn vị xuất khẩu có gửi sản phẩm thăm dò tại một số thị trường các nước, bước đầu cho thấy, thị trường một số nước ghi nhận hiệu quả”, bà Lê Thị Hồng Nhạn chia sẻ.

dong-goi-1673577460.jpg
Đóng gói xuất khẩu lô hàng cao dược liệu An Xoa sang Mỹ.

Xây dựng vùng dược liệu, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra. Tỉnh này đã ban hành chính sách hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chuyển đổi số, kinh tế số, để nông sản tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng thị trường trong nước và quốc tế cần thiết phải đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

san-1673581512.jpg
Sàn thương mại điện tử kết nối đưa nông sản ra thế giới.

“Tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để các sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình và các tổ được kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Sản phẩm được kết nối với thị trường, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng cũng như thị trường trong nước và thế giới”, ông Hà Sỹ Đồng thông tin.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh trạnh. Theo đó, địa phương này khuyến khích hộ cá thể, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử.

Quảng Trị là một tỉnh nghèo, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực. Vì vậy, sàn thương mại điện tử đã giúp nông sản của địa phương vươn xa, tiếp cận mọi thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài./.