Ngã rẽ đầy bất ngờ!
Cơ duyên đến với cây rau má của anh Tân, được nhen nhóm lên sau hai chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Qua những chuyến đi thực tế đó, anh Tân đã tiếp cận với những nền nông nghiệp sạch, tiến tiến hàng đầu thế giới, nơi giá trị nông sản không chỉ được đong đếm bằng sản lượng mà còn được khẳng định ở chất lượng, thương hiệu và sự giàu có của người nông dân.
Về nước, anh Tân luôn trăn trở suy nghĩ về ý tưởng làm giàu từ nông nghiệp. Nỗi niềm day dứt hơn khi anh Tân nhận thấy việc trồng rau má thương phẩm - loại cây được mệnh danh "Sâm của người xứ Thanh" đã được một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện như: làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa), Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là bán rau má tươi và sản phẩm sơ chế, chưa có sự đầu tư vào chế biến sâu. Nhiều địa phương khác trong cả nước phát triển thành công mô hình trồng cây rau má thương phẩm, người dân “có của ăn của để” từ cây rau má. Trong khi đó, giống rau má bản địa xứ Thanh có hai loại là rau má trắng và rau má tía với nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các giống rau má ngoại nhập lại chưa thể giúp người nông dân thoát nghèo.
Niềm trăn trở thôi thúc, cộng với sự nhạy bén và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh doanh nhân trẻ đã đưa ra một quyết định có phần mạo hiểm vào thời điểm đó: Bỏ ngang công việc kinh doanh nhôm kính và nội thất, với thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm để bắt tay làm nông nghiệp sạch.
Quyết định rẽ ngang đầy bất ngờ của anh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, ai cũng nghĩ hướng đi mới này khá mơ hồ và tiềm ẩn nhiều rủi ro; Từ xưa đến nay hai chữ “nông nghiệp” trong quan niệm của người Việt Nam thường gắn với hình ảnh vất vả, nghèo khó và bấp bênh. Đến cả chính quyển sở tại cũng không mấy mặn mà với mô hình khởi nghiệp đầy mạo hiểm này. Nhưng rồi, với những kiến thức đã học hỏi, cùng quyết tâm vượt khó được thôi rèn qua bao năm tháng xông pha thương trường, anh Tân đã từng bước chứng minh và khẳng định được thương hiệu “Rau má xứ Thanh”.
Nỗ lực nâng tầm “Rau má xứ Thanh”
Để thực hiện khát vọng trên, anh Tân cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên công ty tập trung xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm hướng đi mới cho cây rau má. Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa gắn với Chương trình OCOP ra đời trong nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm cùng tình yêu quê hương, yêu nông nghiệp công nghệ cao, yêu cây rau má quê nhà.
Định hướng, mục tiêu của dự án hướng đến là: Nghiên cứu hoàn thiện được bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống rau má bản địa đạt tiêu chuẩn cơ sở, bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau má theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” và xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể: Mô hình quản lý, điều kiện, phương tiện quản lý, phương án sản xuất và kinh doanh, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn, bao bì đóng gói...
Để làm được điều đó, anh Tân đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa. Từ năm 2020 đến nay, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã phát triển khoảng 0,5 ha rau má bản địa tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) vừa để nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra Công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương, đơn vị tại TP Thanh Hóa, huyện Như Thanh, huyện Quảng Xương, huyện Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống...
Với tổng diện tích liên kết đạt khoảng gần 100 ha. Việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đổi mới cơ cấu cây trồng, tạo công ăn việc làm, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cho bà con Nhân dân, HTX, doanh nghiệp. Anh Tân cho biết: Với 10 – 11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây rau má đạt từ 45 – 50 tấn/ha, doanh thu bình quân dao động khoảng 400 - 450 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các loại chi phí, người dân thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Có nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2021 anh Tân đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày và bắt đầu cho ra đời các sản phẩm được chế biến từ cây rau má như bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và trong nước. Hiện nay, các sản phẩm từ cây rau má được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao, trở thành “gương mặt đại diện” cho văn hóa của người xứ Thanh tại các sự kích cầu kinh tế,...
Rau má xứ Thanh vươn tầm quốc tế
Từ khi phát triển thương hiệu “Sâm của người xứ Thanh”, anh Tân đã xác định một mục tiêu xuyên suốt, rằng bản thân không chỉ làm kinh tế đơn thuần, mà trách nhiệm cao cả hơn gửi gắm trong từng sản phẩm là có thể truyền tải câu chuyện lịch sử, nét đẹp văn hóa của người xứ Thanh đến người tiêu dùng. Bởi vậy, mục tiêu của anh Tân không chỉ là thị trường trong nước mà phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh hướng đến xuất khẩu, vươn ra thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Đến nay, đã có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 3.000-3.5000 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.
“Nhân sự kiện Thanh Hóa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại khu du lịch FLC Sầm Sơn từ ngày 24 - 26/03, chúng tôi đã nhận được nhiều hợp đồng đặt hàng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc” – anh Tân hồ hởi chia sẻ.
Ngày 8/2 vừa qua, tại buổi ra mắt các sản phẩm từ cây rau má của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ trọng Hưng cho biết: “Những sản phẩm chế biến từ cây rau má – Sâm của người xứ Thanh, không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh, thương hiệu địa phương".
Không chỉ thành công với cây rau má, khu nông nghiệp công nghệ cao của anh Tân hiện trồng rất nhiều các sản phẩm rau thủy canh, với giá bình quân 20 triệu đồng/tấn, mỗi năm anh thu về trên 4 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đưa giống dưa Taki trồng trong nhà lưới cho 3 vụ/năm, mỗi vụ năng suất khoảng 30 - 35 tấn, doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng/năm…
Thành công của anh Tân là dấu ấn phát triển, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và còn mở ra chặng đường phát triển mới cho cây rau má bản địa xứ Thanh. Hi vọng, với những gương sáng điển hình này, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn nữa những sản phẩm mang nét văn hóa địa phương, vùng miền thành công trong nước và vươn tầm thế giới./.