Từ trước Tết cổ truyền đến nay, giá heo luôn ở mức thấp; trong khi đó thức ăn gia súc tăng vọt nên người chăn nuôi thua lỗ nặng, đàn heo liên lục giảm. Với chi phí tăng cao nên giá heo trên 6 triệu đồng/tạ, người nuôi mới có lãi.
Trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi (2019), tổng đàn heo thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang tăng gần 500.000 con, nay giảm xuống còn khoảng 295.000 con; trong đó có khoảng 30% đàn heo nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Các địa phương duy trì đàn heo còn cao là huyện Chợ Gạo (70.000 con), huyện Cái Bè (50.000 con).
TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi Cục Chăn nuôi thú y Tiền Giang cho biết: “Lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn về mặt kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, không xảy ra dịch, còn giá heo vẫn do thị trường quyết định. Chi cục đã khuyến cáo nông dân cố gắng liên kết chuỗi sản xuất, tức là có người “chủ xị” đứng ra mua với giá tận gốc, bán có hợp đồng; người thu mua ổn định về giá”.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, giá lợn hơi và giá gà nguyên lông trên cả nước giảm mạnh. Nguyên nhân là do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào. Ở miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động từ 46.000-52.000 đồng/kg; còn miền Nam ở mức 51.000-53.000 đồng/kg.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Năm 2022, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỉ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, 02 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo giá có thể tiếp tục giảm
Các chuyên gia nhận định, sức mua giảm mạnh, trong bối cảnh dư cung còn tiếp diễn, dự báo giá thịt lợn, gà còn giảm tiếp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khuyến cáo, trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro.
Thực tế, 6 năm khủng hoảng, ngành hàng thịt lợn tiếp tục vật lộn với nỗi lo “bão giá”. Từ mức giá 50.000-55.000 đồng/kg năm 2016, sang 2017, giá lợn hơi bắt đầu lao dốc, có thời điểm, giá lợn giảm còn 15.000-17.000 đồng/kg.
Đến tháng 02/2019, dịch tả lợn châu Phi lan rộng 63 tỉnh thành, khoảng 6 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ, thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỉ đồng.
Giá lợn hơi thời đó chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg, người chăn nuôi kiệt quệ, chăn nuôi lợn gần như bị xoá sổ.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt do sức mua yếu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất trong 50 năm. Người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ. Điều này khiến cho các chuyên gia nhận định năm nay là năm vô cùng khó khăn với ngành hàng thịt lợn và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn.