Quảng Trị “thay da, đổi thịt” sau 50 năm ngày giải phóng

Hết rồi cái thời mà cứ nhắc đến Quảng Trị là chỉ liên tưởng đến bom đạn, khói lửa chiến tranh hay thiên tai mưa lũ. Giờ đây, Quảng Trị được biết đến là mảnh đất của sự “hồi sinh” và phát triển sau 50 năm ngày được độc lập với những thành tựu kinh tế-xã hội, nơi thu hút đầu tư nhiều dự án “tỉ đô”.
mot-goc-thanh-pho-dong-ha-tinh-quang-tri-1651052225.png
Một góc thành phố Đông Hà từ trên cao.

Nhiều thành tựu kinh tế nổi bật sau 33 năm tại lập tỉnh

Sau 50 năm ngày giải phóng quê hương (1/5/1972 - 1/5/2022), Quảng Trị đi lên với vô vàn khó khăn, thử thách từ khắc phục hậu quả chiến tranh đến thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quảng Trị như được tôi luyện từ trong khó khăn, đau thương để “trở mình” thành vùng đất của sự thịnh vượng, giàu sức hút đầu tư.

Sau 50 ngày giải phóng và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt sau 33 tái lập lại tỉnh (1989 – 2022), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã quyết tâm cao độ, không ngừng phấn đấu để đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.

Quảng Trị ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, cơ cấu kinh chuyển dịch phù hợp và đúng hướng. Trong đó, giai đoạn từ năm 2015 - 2020, GRDP tăng bình quân 7,16%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Quảng Trị vẫn đạt 6,5% (thứ 3 trong các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước). Thu ngân sách nhà nước có bước đột phá, đạt hơn 5.511 tỷ đồng/dự toán 3.450 tỷ đồng (mức đạt cao nhất từ trước đến nay).

Về lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp những năm đầu tỉnh lập lại chiếm tỷ trọng 62,3%, đến nay chỉ còn 27,89%, nhưng tổng giá trị tăng gần 40 lần. Sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 29,46 vạn tấn, tăng gấp 3 lần. Năm 1989, toàn tỉnh chỉ có khoảng 666 ha cây hồ tiêu, 738,7 ha cà phê, đến nay đã có 2.400 ha hồ tiêu (tăng 3,6 lần); 4500,3ha cà phê (tăng hơn 6 lần). Riêng cây cao su được chú trọng phát triển mạnh từ 4178,4 ha, đến nay có 19.100ha (tăng hơn 4 lần).

Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm ( từ 2016 – 2020) đạt 11,42%, năm 2021 đạt trên 15,07%.

Quảng Trị trên hành trình trở thành trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia

Ngoài bom đạn, Quảng Trị còn được biết đến với “đặc sản gió Lào”, thứ gió được xem là thiên tai vì loại gió này rất khô, nóng gây nên tình trạng hạn hán vào mùa hè ở Quảng Trị. Vào những tháng hè, ở Quảng Trị loại gió này thổi rít liên hồi bất kể ngày đêm với sức gió không khác gì áp thấp nhiệt đới.

Khó khăn là thế nhưng con người Quảng Trị đã biết cách biến khó khăn thành cơ hội. Tỉnh Quảng Trị đã thu đầu tư các dự án điện gió có quy mô lớn đặt tại các huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông (Quảng Trị) để góp phần đưa tỉnh nhà đến gần hơn với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước vào năm 2030.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 671 MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW. Ngoài ra, còn có 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 965,6MW. Theo tính toán khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.

mot-du-an-hang-ti-usd-vua-duoc-ky-ket-tai-quang-tri-1651052469.jpg
Một dự án hàng tỉ USD vừa được ký kết đầu tư tại Quảng Trị

Trong chiến lược phát triển, Quảng Trị phấn đấu phát triển các dự án điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 khoảng 8.000 MW và sau năm 2030 hơn 10.000 MW nhằm góp phần tích cực tăng thu ngân sách địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Và đây cũng là cơ sở để Quảng Trị hướng đến trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Những tiềm năng được tỉnh khai phá hiệu quả chưa từng thấy, thậm chí đã biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế mà dẫn chứng cụ thể nhất chính là hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời vận hành thương mại đem về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách”.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 1 năm nay, tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và hai đầu tư đến từ Hàn Quốc: HANWHA - KOSPO - KOGAS chính thức khởi công Hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, có công suất 1.500MW, với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỉ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD).

Dự kiến vào ngày 17/5 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam sẽ đồng chủ trì tổ chức Hội thảo "Công nghệ năng lượng tái tạo Israel - Quảng Trị". Hội thảo sẽ là nền tảng cho những kết nối, hợp tác trên các lĩnh vực: năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác giữa tỉnh Quảng Trị và các đối tác Israel trong thời gian tới.

Những hợp tác nổi bật này thể hiện uy tín, vị thế của tỉnh Quảng Trị trong sự tín nhiệm cao của các Tập đoàn lớn, các đối tác nước ngoài. Quảng Trị đã ngày càng thu hút được nhiều dự án nghìn tỷ...

Hoàn thiệt hệ thống giao thông, "lối mở" cho phát triển tương lai

Quảng Trị có lợi thế năm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, giao thương hàng hoá đi qua nhiêu quốc gia Asean như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar (thông qua QL9 và QL15D), có đường quốc lộ 1A và đặc biệt địa phương cũng đang triển khai dự án đường tốc Bắc – Nam, dự kiến trong năm nay tỉnh cũng sẽ khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, mới đây nhất ngày 15/5 Chính phủ cũng đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư 7.700 tỉ đồng.

Trong dịp kỷ niệm 50 ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), tỉnh Quảng Trị cũng khởi công nhiều dự án quy mô lớn. Đơn cử như Dự án Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị. Dự án này được đầu tư tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; diện tích sử dụng đất: 481,2ha; Tổng vốn đầu tư: 2.074 tỷ đồng. Hay dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, chiều dài khoảng 54,98 km và Dự án Cảng hàng không Quảng Trị.

Có thể thấy, trong nhiều năm gần đây, với sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quảng Trị đã đẩy mạnh quảng bá tiềm năng thế mạnh vốn, thu hút vào tạo điều kiện cho các nhà đầu đến với Quảng Trị để cùng hợp tác phát triển kinh tế. Và sau 50 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Trị đang "thay da đổi thịt" từng ngày...

Đoàn Thuận