Quảng Trị dồn sức xây dựng nông thôn mới vùng ven biển

Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả 4 huyện vùng Đồng bằng ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đều đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 quangtri3006-20210630154122559-1637326155.jpg

Tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây (Quảng Trị) đang được khẩn trương xây dựng

 

Huyện Gio Linh có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế từ vùng biển và ven biển khi có 15 km đường bờ biển và hai cửa biển: Cửa Tùng và Cửa Việt. Địa phương này hiện có nhiều tàu cá và có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô, tạo việc làm cho 2.000 lao động nông thôn. Mỗi năm, các cơ sở này chế biến khoảng gần 20.000 tấn cá biển cung ứng cho thị trường.

 Ngư dân Bùi Đình Thủy, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, nghề đánh bắt hải sản đã gắn bó với người dân địa phương từ nhiều đời, không chỉ tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập chính cho ngư dân, mà còn tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

 Ngoài khai thác và chế biến hải sản, huyện Gio Linh còn tập trung phát triển du lịch – dịch vụ ở các bãi tắm: Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang, Cửa Tùng; thu hút đầu tư vào làm điện mặt trời ở vùng cát trắng nội đồng ven biển. Đến giữa tháng 11/2021, huyện Gio Linh đã có 3 dự án điện mặt trời được đầu tư xây dựng tại hai xã Gio Thành và Gio Hải đi vào vận hành thương mại gồm: Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị công suất 49,5 MW; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 công suất 50 MW và Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 công suất 50 MW.

 Các nhà máy điện mặt trời này mỗi năm đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng và tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Gio Linh đã đạt trên 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2021 dự kiến chỉ còn 3,5%. Huyện đã có 8/15 xã đạt chuẩn nông thông mới và sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Bí thư Huyện ủy Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, địa phương đang dồn sức xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, khi đó thu nhập bình quân đầu người đạt từ 80 - 82 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 1,4%/năm, tất cả 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có từ 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu này, địa phương tập trung huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư để tạo đà phát triển.

 Cụ thể, địa phương mở rộng và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Quán Ngang, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở các xã ven biển, giải phóng mặt bằng để mở rộng cảng biển Cửa Việt, nâng cấp Quốc lộ 9, xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

Huyện Hải Lăng hiện có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng, để đạt được mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, địa phương tập trung phát triển những ngành có thế mạnh gồm: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ. Ngành công nghiệp tập trung ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cụm công nghiệp Diên Sanh.

 Với tiểu thủ công nghiệp, huyện phát triển các làng nghề truyền thống như: Nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, mứt gừng Mỹ Chánh. Nông nghiệp thì tập trung sản xuất lúa chất lượng cao trên những cánh đồng mẫu lớn; phát triển sản phẩm chất lượng cao tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm như: Gạo sạch Hải Lăng, Cam hữu cơ K4, chè vằng. Thu hút đầu tư vào thương mại - dịch vụ để phục vụ Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu đô thị và du lịch.

Huyện Vĩnh Linh cũng đã có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Triệu Phong có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hai huyện này có điều kiện tương tự như huyện Gio Linh và Hải Lăng nên đã và đang tập trung khai thác thế mạnh từ biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư vào công nghiệp, du lịch - dịch vụ; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu và tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

 Khó khăn nhất của các huyện hiện nay là nguồn vốn đầu tư để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể mỗi huyện cần khoảng 100 tỷ đồng/năm để thực hiện các tiêu chí cần nhiều nguồn lực như: giao thông, trường học, môi trường. Ngoài ra ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh còn có 3 xã thuộc vùng miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là khi thực hiện các tiêu chí: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở.

 Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư để thực hiện tiêu chí khó đạt như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở. Tỉnh phân kỳ để đầu tư cho các huyện; trong đó hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng tập trung trong giai đoạn 2022 - 2023 và Gio Linh, Vĩnh Linh giai đoạn 2024 – 2025. Ngoài nguồn vốn của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, các huyện cũng cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, nhất là nguồn lực trong nhân dân.

Ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Để đạt các mục tiêu đã đề ra, tỉnh ưu tiên nguồn lực xây dựng thôn cho các địa phương có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động vốn từ nguồn ngân sách, xã hội hóa để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, tỉnh đã có 57/101 xã và huyện Cam Lộ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.