Quảng Bình: Tạo đà cho các nhà máy chế biến nông sản hoạt động

Phương án "3 tại chỗ" của Chính phủ đã tạo đà cho nhiều nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động, đưa niềm vui lớn cho bà con nông dân trong mùa dịch.
tra-qb-1637758688.jpeg
Các HTX, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản ở Quảng Bình rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bản tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp nên 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn đã phải tạm dưng hoạt động một thời gian. Tuy nhiên, do vào mùa vụ sắn nên lãnh đạo các cấp cùng các nhà máy sắn đã tổ chức thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu kép "vừa thu mua, sản xuất tinh bột sắn vừa thực hiện phòng, chống dịch COVID 19".

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và đoàn công tác đã có chuyến thực tế ở các địa phương và các nhà máy để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trước những khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương liên quan và lãnh đạo 2 nhà máy nhanh chóng có kế hoạch tái sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn uống tại chỗ) mà Chính phủ đã chỉ đạo. Qua đó, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn đã giải quyết được các khó khăn từ đầu ra cho người dân, vừa đảm bảo hoạt động của nhà máy.

Ông Hoàng Quốc Vương, Giám đốc Công ty cổ phần FOCOCEV Quảng Bình cho biết: "Đến nay, nhà máy chế biến tinh bột của chúng tôi đã thu mua trên 25.000 tấn sắn nguyên liệu cho bà con nông dân và đã chi trả khoảng 50 tỷ đồng. Đó là nhờ vào chính sách kịp thời của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19".

Tại nhà máy thuộc Công ty cổ phấn FOCOCEV Quảng Bình, với số lượng lao động gần 100 người, lãnh đạo công ty tính toán giữ lại khoảng 50 lao động để có thể đảm bảo sản xuất. Công ty cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn uống và chỗ nghỉ của người lao động và triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.

Niên vụ năm nay, Quảng Bình trồng trên 6.300ha sắn nguyên liệu với giống KM 94. Dù đã qua niên vụ thu hoạch cả tháng mà vẫn chưa thu hoạch được làm cho người trồng sắn đứng ngồi không yên.

Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu đứng đầu tỉnh Quảng Bình với diện tích gần 4.000ha. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, nhờ các nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động trở lại sớm nên bà con nông dân rất phấn khởi. Ngoài việc sắn được mùa, được giá thì việc thu hoạch đúng thời gian đã hỗ trợ, thúc đẩy cho nhiệm vụ triển khai vụ Đông Xuân tới.

Tại nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh (huyện Quảng Ninh), ô tô tải lớn nối nhau chở sắn nguyên liệu vào cổng. Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc nhà máy cũng cho hay, được sự quan tâm của tỉnh và các cơ quan chức năng, nhà máy khẩn trương thực hiện các thủ tục để đi vào hoạt động. Đến nay, nhà máy đã thu mua gần 15 nghìn tấn sắn nguyên liệu cho nông dân trên địa bàn. Giá mua dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn tùy vào hàm lượng tinh bột. Sản phẩm tinh bột sắn của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và bán trên thị trường nội địa.

Cũng theo ông Lê Văn Thơ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vay vốn, giảm thuế thuê đất hay hỗ trợ người lao động đã có tác động tốt đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung.

Ông Thơ bày tỏ, việc hỗ trợ của Chính phủ và các ban ngành đã tạo được động lực lớn cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Duy trì và ổn định hoạt động của nhà máy trong dịch cũng đã góp phần vào thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mang lại thu nhập cho nông dân./.