Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích rừng keo nguyên liệu lớn với khoảng 198.000 ha, phục vụ cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu với khoảng hơn 2 triệu m3 mỗi năm.
Theo ghi nhận, đã có hơn 422 ha keo ở Quảng Ngãi bị bệnh chết, năm ngoái hiện tượng này chỉ xảy ra lác đác thì năm nay đã lan rộng nhiều nơi.
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi cho hay, cây keo chủ yếu do 2 loại nấm gây ra là nấm đen thân Macrophomina và nấm thối rễ Fusarium. Nấm gây bệnh đen thân xâm nhiễm vào phần gỗ, phần tủy gỗ biến thành màu nâu và lan dần đến phần rễ cây.
Được biết, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lấy mẫu gửi cơ quan Trung ương giám định, để tìm biện pháp phòng chống hiệu quả. Chi cục cũng đang hướng dẫn người trồng keo thực hiện các biện pháp phòng trừ khẩn cấp, chủ yếu là thủ công, để ngăn chặn nấm bệnh lây lan.
Anh Mai Văn Minh, Xã Ba Thành, huyện Ba Tơ cho biết, ban đầu cây xuất hiện một đốm trắng. Gió gãy rớt ngọn làm cây chết hoặc phát triển còi cọc.
Anh Phạm Văn Chung, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ chia sẻ, cây bị bệnh nhiều quá nên giờ thu hoạch cây lớn thì bán gỗ dăm còn cây nhỏ không bán được.
Chuyện cây keo bị nấm bệnh trên huyện miền núi Ba Tơ xuất hiện nhiều năm nay. Nhưng theo nhiều chủ vườn thì năm nay mưa kéo dài nấm bệnh phát triển mạnh hơn và lây lan nhanh, nhất là ở những đám keo trồng ở vùng đồi thấp, thoát nước kém.
Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, đối với những vườn keo đã xuất hiện bệnh, người dân cần chặt thu gom đưa ra khỏi vườn keo tiêu hủy, dùng vôi nông nghiệp xử lý đất ở vị trí bị bệnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh, không tận thu các cây bị bệnh và vận chuyển đi nơi khác tạo cơ hội cho bệnh lây lan.
Cũng theo người dân trồng keo, 1 ha trồng gỗ keo sau 5 năm cho năng suất từ 80 - 150 tấn gỗ keo với giá thu mua hiện nay là 1.120.000 đồng/tấn. Còn cây keo non khoảng 2 năm tuổi bị bệnh bán gỗ dăm giá trị rất thấp. Cây mới trồng chừng 1 năm tuổi chỉ có thể làm chất đốt, không bán được. Trong khi đó, nếu trồng trở lại cần có tiền mua cây giống, phân bón nên nhiều hộ đồng bào dân tộc rừng keo bị nấm bệnh rất lo ngại./.