Theo thống kế, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng doanh nghiệp toàn tỉnh, gấp hơn 11 lần so với năm 2005. Nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp kinh tế tư nhân là 193,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,8% tổng vốn doanh nghiệp, gấp hơn 45 lần năm 2005.
Năm 2020, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% GRDP của tỉnh; trong đó kinh tế tư nhân đóng góp 42,2% GRDP (năm 2005: 22,5%; năm 2000: 7,5%). Doanh nghiệp kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh (65 - 70% tổng thu nội địa). Trong đó nhiều doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu tạo ra "bầu sữa ngân sách" đóng góp lớn cho tỉnh, kể đến như Công ty cổ phần Sản xuất ô tô Trường Hải, Nhà máy bia Heniken; Khu du lịch The Nam Hai Resort, Vinpearl Nam Hội An…
Tuy vậy, ở khu vực miền núi, doanh nghiệp phát triển chưa đáng kể. Đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, dịch vụ còn khó khăn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ và năng lực cạnh tranh... còn hạn chế.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, trong hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, cộng thêm thiên tai xảy ra liên tục khiến "sức khỏe" của phần lớn doanh nghiệp, bị suy giảm nghiêm trọng. Hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh bế tắc, doanh thu giảm mạnh, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ… bên cạnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng nhanh, lãi suất cho vay cao, gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Trong bối cảnh đó, năm 2020 và năm 2021, vào ngày mùng 5 hàng tháng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh và các sở ban ngành, địa phương tổ chức tiếp xúc giải quyết gần 200 doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc ở các lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động, qua đó giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để vượt qua thách thức, vừa chung tay góp sức cùng chính quyền và nhân dân trong rất nhiều hoạt động vì cộng đồng.
Nhờ vậy mà thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp là hội viên hiệp hội đã trở thành đối tác, khách hàng lớn của nhau. hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác, cũng nhờ vậy mà nhiều doanh nghiệp đã vượt qua đại dịch và doanh thu đã tăng gấp nhiều lần...
Cũng theo ông Phạm Quốc Hùng, văn hóa doanh nhân là xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, san sẻ yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Trong những năm qua, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh làm tròn vai trò "cầu nối" giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, tạo "nhịp cầu" chia sẻ các cách thức ứng phó hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021, Quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã vận động hơn 53 tỷ đồng (trong đó có 13 tỷ đồng vào Quỹ vaccine) phần lớn từ nguồn đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp; trong đó, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, lực lượng tuyến đầu chống COVID-19 và chương trình ATM gạo yêu thương.
Ngoài ra, hiệp hội doanh nghiệp còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ huyện Phước Sơn hơn 500 triệu đồng khắc phục thiệt hại do bão lũ hồi cuối năm 2020; phối hợp với Hội golf tỉnh và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn sửa chữa và xây mới 16 ngôi nhà cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các doanh nghiệp chuyển hướng đi mới bằng cách đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ chủ lực. Đứng trước những thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 gây ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đang có dấu hiệu hồi phục. Giá trị nền kinh tế năm 2021 của Quảng Nam ước đạt hơn 102.654 tỉ đồng, xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP, thứ 2 về tốc độ tăng trưởng (sau Quảng Ngãi) và xếp thứ 2 về quy mô của nền kinh tế (sau Đà Nẵng) tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 23.777 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 119,0% dự toán và bằng 113,6% so với năm 2020.
Quảng Nam là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng 2 con số, đứng thứ 5 cả nước và đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Góp vào sự thành công đó phải nói đến doanh nghiệp, mà doanh nhân được xem như đội ngũ kiến tạo, đi đầu phát triển kinh tế và khởi nghiệp của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn khát vọng phát triển quê hương giàu mạnh, xứng tầm vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Và trong sự phát triển đó không thể thiếu vai trò, đóng góp lớn của lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp. Đến nay, Quảng Nam có gần 8.000 doanh nghiệp. Việc kết nối với giữa các doanh nghiệp với nhau là hoạt động vô cùng thiết thực, qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân đối với tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Tỉnh đã phân cấp, ủy quyền được 144 thủ tục hành chính, chiếm 55% tổng số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư thu hút cá doanh nghiệp lớn phải được ưu tiên. Chính các doanh nghiệp là động lực để phát triển, là nguồn lực của phát triển phục hồi kinh tế địa phương. Hiện, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh phải nắm kỹ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững…/.