Quảng Nam:

Duy Xuyên vượt khó tạo chuyển biến tích cực kinh tế, xã hội kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Trong năm 2024, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND huyện Duy Xuyên, quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành của UBND huyện cùng với sự nỗ lực triển khai của các ngành, địa phương, tình hình KT-XH của huyện có chuyển biến tích cực; kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn.

Tình hình kinh tế – xã hội năm 2024

Năm 2024, huyện Duy Xuyên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế đạt 9,8%, cao hơn năm 2023, với các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, và nông nghiệp có sự khởi sắc. Hoạt động văn hóa, thể thao và an sinh xã hội được tổ chức hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, trong khi công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh chính trị được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế như kinh tế chuyển biến nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản gặp khó khăn, và quy hoạch đô thị còn chậm trễ. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu đồng bộ trong điều chỉnh đầu tư, lập dự án, giám sát và quản lý, cùng với tính chủ động và năng lực cụ thể hóa của các ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

z6184118619842-8f68995621f3b29a906bab0716f4685e-1735887248.jpg
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên.

Để khắc phục những hạn chế này, huyện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt ưu tiên các dự án cấp bách hoặc vướng mắc thủ tục. Công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản cần được tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ để xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công bố quy hoạch chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Cải cách hành chính và chuyển đổi số cần được chú trọng, đặc biệt trong quản lý đất đai và an sinh xã hội, kết hợp với đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ địa phương. Các chương trình an sinh xã hội cần đảm bảo rõ ràng và đồng bộ, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế và thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Về kinh tế, cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và tuyển dụng lao động. Những giải pháp này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

z6184118627198-8da99abff8e21aceacf20d9f59ec491e-1735887247.jpg
Ngành dịch vụ - du lịch được xác định là lĩnh vực mũi nhọn.

Giải pháp phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2025

Năm 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước đan xen thuận lợi và khó khăn; trong đó, mặt khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, gay gắt hơn. cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó, có chiến sự Nga - Ukraine, xung đột vũ trang, kinh tế thế giới suy giảm; tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.

Đối với huyện Duy Xuyên, năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức; trong đó, sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực của huyện, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Đại hội XXI của Đảng bộ huyện; sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, HĐND huyện về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là mở rộng, tìm kiếm thị trường. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, khôi phục sản xuất, khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị xuống cấp, hư hỏng, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi. Đẩy nhanh thực hiện thủ tục các dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025, hoàn thành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Triển khai và thực hiện tốt các Quy hoạch và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu. Phục hồi và phát triển dịch vụ - du lịch. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

z6184118636223-9c748095480af30e8b7bc0372e9c68eb-1735887248.jpg
UBND huyện tăng cường để bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm về tài nguyên.

Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được xây dựng với mục tiêu phát triển toàn diện trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, quy hoạch, đầu tư, nguồn nhân lực, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, ngân sách và văn hóa - xã hội. Ngành dịch vụ - du lịch được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, với trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cao cấp, sinh thái và văn hóa, đồng thời thu hút các nguồn đầu tư chiến lược.

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị hướng đến việc hoàn thiện hệ thống quy hoạch chi tiết, thúc đẩy thực hiện các dự án đô thị, thương mại lớn nhằm tạo diện mạo mới cho khu vực. Về phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp được tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nghề, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và dịch vụ.

z6184118645572-8aaeb8eeaa3cd2083cada1fc2785b253-1735887248.jpg
Trụ sở Huyện ủy Duy Xuyên.

Trong lĩnh vực công nghiệp, định hướng phát triển bền vững tập trung vào chế biến sâu, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và khuyến khích sản xuất thân thiện với môi trường. Ngành nông nghiệp chú trọng cơ giới hóa, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tích tụ ruộng đất để tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời xây dựng các khu nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Về quản lý tài nguyên và môi trường, các biện pháp được tăng cường để bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm về tài nguyên, đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch và xử lý rác thải, góp phần bảo đảm phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực tài chính, việc quản lý thu - chi ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ du lịch và phát triển đô thị, đồng thời bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ để phục vụ các mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được chú trọng, với các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tổ chức các lễ hội mang tính đặc trưng, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, giảm nghèo bền vững và tạo thêm việc làm mới.

Những giải pháp này không chỉ hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần xây dựng các tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao, mang lại diện mạo mới cho sự phát triển chung của địa phương./.

Nguyễn Thuyết