Chuyển đổi số thúc đẩy tư duy “kinh tế nông nghiệp” ở Phú Thọ

Phần mềm chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được đánh giá, giúp ích rất lớn trong việc vận dụng vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp của địa phương, quảng bá, tiêu thụ nông sản tại tỉnh Phú Thọ.
nn-chuyen-doi1-1740069898.jpg
Nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với thương mại điện tử.

Phần mềm chuyển đổi số ngành NN&PTNT (sau đây gọi tắt là phần mềm, có tên miền nongsanphutho.com.vn) mà tính năng nổi bật là “Bản đồ nông sản số” là công cụ giúp kết nối và tích hợp phần mềm với các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá, marketing và bán hàng ngay trên “Bản đồ nông sản số”, gia tăng hiệu quả bán hàng.

Ngoài ra, “Bản đồ nông sản số” còn giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua bộ lọc tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm, thực hiện tương tác với chủ cơ sở và đặt mua hàng khi truy cập vào “Bản đồ nông sản số”.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đã số hóa 60.000 trang tài liệu chuyên ngành, tích hợp lên hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, tra cứu, lưu trữ thuận lợi và chính xác. Các cơ quan quản lý có thể sử dụng phần mềm để tra cứu dữ liệu, số liệu thống kê về các lĩnh vực chuyên ngành đã được số hóa và được phân quyền để cập nhật lên phần mềm theo giới hạn từng lĩnh vực cụ thể để kiểm tra, giám sát về mã số vùng trồng, các cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, cơ sở rừng được cấp chứng chỉ FSC, các sản phẩm OCOP, từ đó quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát an toàn thực phẩm một cách chính xác và minh bạch.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phần mềm đã tích hợp thông tin cơ bản như: Tên sản phẩm, nhóm sản phẩm, tên chủ thể sản xuất, địa chỉ, người đại diện, thứ hạng, chuỗi liên kết và thị trường. Đến nay phần mềm vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và nâng cấp tính năng, chưa có ứng dụng dành cho điện thoại thông minh nên khả năng tiếp cận người dùng còn hạn chế. Số lượng người dùng hiện tại chưa nhiều, việc thu thập ý kiến phản hồi, đánh giá toàn diện về nội dung, tính năng của phần mềm, đặc biệt là “Bản đồ nông sản số” và sự ổn định của phần mềm khi sử dụng vẫn đang gặp khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến quá trình cải tiến và tối ưu hóa các tính năng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của người dùng. Thói quen sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang được hình thành, do vậy, cần thêm thời gian để người dùng quen thuộc với hệ thống.

cd-1740070052.jpg
Sử dụng tính năng Phần mềm chuyển đổi số ngành NN&PTNT đối với sản phẩm OCOP của Phú Thọ.

Để phần mềm phát huy được hiệu quả, yếu tố đầu tiên là bản thân doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất kinh doanh phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuối cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng phải chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thì khâu tiếp thị, quảng bá mới thực sự phát huy hiệu quả. 

Việc hoàn thiện và ra mắt phần mềm chuyển đổi số ngành NN&PTNT là dấu ấn trong nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp năm 2024. Bên cạnh những việc đã làm được, trước mắt, nhiều nhiệm vụ phải triển khai để phổ cập rộng rãi phần mềm đến với người dùng. Thực hiện chuyển đối số trong nông nghiệp, toàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. 

Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như nongsan.phutho.gov.vn, giaothuong.net. Xây dựng các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Facebook, Tiktok,... để các cơ sở quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó đã góp phần đưa sản phẩm nông sản Phú Thọ đến với người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài nước./.

Kim Bằng