Sự tử tế kết nối nông dân và doanh nghiệp
"Phiên chợ Xanh – Tử tế" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức từ năm 2016, đến nay đã là năm hoạt động thứ 8.
Đây là nơi quy tụ hàng ngàn sản phẩm chất lượng đến từ hơn 50/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tất cả là tài nguyên bản địa, chỉ dẫn địa lý, OCOP 3 - 5 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu theo tiêu chí Xanh – Sạch – Tươi – An toàn, nguồn gốc rõ ràng từ tận trời Nam đến đất Bắc hay eo biển miền Trung thậm chí là vùng núi Tây Nguyên.
Đặc biệt, các sản phẩm là kết tinh của các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa, đặc sản địa phương…
“Phiên chợ Xanh - Tử tế” ra đời và được duy trì, phát triển để tạo điều kiện cho nhà nông, nhà sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau, cung cấp thực phẩm, đồng thời ghi nhận những đóng góp để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Trinh (ở Quận 10, TP.HCM) là một khách hàng thân thiết của phiên chợ từ ngày đầu mở cửa cho đến nay. Chị Trinh nhận xét, so với những năm đầu thì hiện nay sản phẩm tại chợ phong phú hơn nhiều. Chị có thể mua đủ thực phẩm cho gia đình mình dùng trong 1 tuần và dù giá vẫn hơi cao nhưng đó là nông sản xanh, có thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chị sẵn lòng chi tiêu.
Chợ tuy nhỏ nhưng tìm thực phẩm gì cũng có. Phiên chợ có tiêu chí lựa chọn sản phẩm rõ ràng. Ban tổ chức phiên chợ thường xuyên đi thực tế ở nông thôn, tiếp xúc với nông dân trẻ khởi nghiệp từ nông đặc sản địa phương để hướng dẫn sản xuất sạch rồi mới xem xét cho sản phẩm vào chợ. Chính việc đảm bảo chất lượng mà không gian của Phiên chợ Xanh - Tử tế tuy nhỏ và thời gian hoạt động chỉ trong dịp cuối tuần nhưng ngày càng đông khách. Phiên chợ đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm kiếm nông sản sạch của người dân TP.HCM, thậm chí cả Đồng Nai, Bình Dương.
“Đâu đó những năm trước có câu chuyện sính hàng ngoại, kể cả sính nông sản ngoại. Nhưng những năm gần đây thì nông sản Việt giờ có chỗ đứng rất tốt với người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là điều Phiên chợ Xanh đã làm được và tiếp tục khẳng định”, ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam cho hay.
“Phiên chợ Xanh - Tử tế” ra đời từ “cái tâm” và “cái duyên” gắn kết những con người sống “tử tế”. Những hộ nông dân, HTX, làng nghề truyền thống và thanh niên khởi nghiệp đang mang những nông sản tươi ngon – đặc sản vùng miền đến phục vụ người dân thành phố. Mục đích của phiên chợ không chỉ dừng lại ở việc bà con mình tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, mà còn lắng nghe ý kiến góp ý từ các chuyên gia để ngày càng hoàn thiện sản xuất cũng như sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản
Hiện nay, hơn 80 doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp của Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bến Tre, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Lào Cai, Đắk Lắk… có gian hàng tại phiên chợ. Những nông sản, sản phẩm được trồng, chế biến và sản xuất theo quy trình chặt chẽ, an toàn và sạch, hoặc theo kinh nghiệm dân gian, gia truyền đều được sự quan tâm, lựa chọn.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee ở Cần Thơ, chuyên sản xuất các loại trà hòa tan từ thảo dược như: gừng, tía tô, diếp cá, đinh lăng… cho biết, sản phẩm được bán tại Phiên chợ Xanh - Tử tế đã gần 4 năm và ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Thông qua phiên chợ, qua trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng, doanh nghiệp của chị Thắm còn điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp thị hiếu và có thêm sản phẩm mới.
“Với doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu ra cho sản phẩm rất quan trọng. Tham gia phiên chợ, chúng tôi được Ban tổ chức định hướng về khách hàng, xu hướng xanh, bao bì và mẫu mã sản phẩm, giá cả… Những phiên chợ này giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình xây dựng công ty, sản phẩm, tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng”, chị Đoàn Thị Hồng Thắm chia sẻ.
Trải qua hơn 7 năm và hơn 330 phiên chợ, những sản phẩm khởi nghiệp đã trở thành thương hiệu quen thuộc, uy tín với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra một số thị trường như: Bột rau má Quảng Thanh, Mật dừa nước Ông Sáu, Nấm linh chi Đất Thép, Gia vị bún bò Huế Trí Kiên, Nước đậu đen xanh lòng của Mộc Thanh Trà, Chùm ngây Long An, Hồng treo gió Lâm Đồng, Bánh chuối phồng Tư Bông Đồng Tháp… Nhằm bảo vệ môi trường và tạo không gian xanh sạch, tất cả sản phẩm tại phiên chợ còn sử dụng túi giấy và túi phân hủy sinh học, được khách hàng đón nhận, ủng hộ.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết: “Mọi người bây giờ rất quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững và các bạn trẻ khởi nghiệp xanh bán sản phẩm ở đây làm rất tốt điều đó. Ví dụ như sản xuất giảm phát thải ở dự án mật dừa nước ở Cần Giờ, mật hoa dừa của SokFarm Trà Vinh. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu đảm bảo các yếu tố xanh và ngay cả bao bì các bạn trẻ cũng quan tâm lan tỏa, xây dựng tốt hơn”.
Phiên chợ Xanh - Tử tế đang tiếp tục làm cầu nối và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường bằng chính chất lượng, tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong số này đã trưởng thành và trở thành những doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP 3-4-5 sao cùng với nhà xưởng và quy trình đạt các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO và hữu cơ… Người tiêu dùng TP.HCM cũng có một địa chỉ tin cậy để tìm kiến thực phẩm an toàn cho cuộc sống hàng ngày./.