Phía sau vị “ngọt” của cây mía đường xứ Thanh

Từng được xem là cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là khu vực trung du và miền núi, cây mía đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nơi đây. Tuy nhiên, khi giá mía liên tục giảm, không thể cạnh tranh với các cây trồng khác, dẫn đến những cánh đồng mía cứ thu hẹp dần.
mia-duong-1710851038.jpg
Diện tích trồng mía đường tại Thanh Hóa liên tục giảm sâu trong những năm gần đây.

Khi cây mía còn “ngọt”

Tại Thanh Hóa, vào những năm 1990, cây mía được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt là các vùng trung du và miền núi. Từ đó, diện tích trồng mía không ngừng được mở rộng. Biến xứ Thanh thành “thủ phủ” của mía đường.

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía cho năng suất cao, các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Qua đó, tạo nên cuộc cách mạng “xanh hóa” đất cằn bằng vị ngọt của mía đường.

Không chỉ có vậy, để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu mía từ vùng trồng đến khu sản xuất chế biến, những con đường mới cũng từ đó mà hình thành, giúp việc đi lại, giao thương giữa các vùng miền được thuận lợi hơn.

Nhờ vậy, đời sống nhân dân trong vùng không ngừng được nâng lên. Từ chỗ đói nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, dư giả để xây nhà, mua xe. Không chỉ đem lại thu nhập cao, cây mía còn tạo ra công ăn việc làm ổn định thường xuyên cho hàng nghìn lao động, đặc biệt là những người ít đất canh tác.

Chia sẻ về thời hoàng kim của cây mía, ông Hà Văn Phương, trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: “Trước đây, khi giá mía đường còn cao, gia đình tôi đã chuyển đổi hết các cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía. Nhờ vậy mà mỗi năm, trừ chi phí nhà tôi vẫn dư giả hơn 100 triệu đồng. Không chỉ có vậy, nhờ có chính sách ưu đãi nên tất cả các gia đình có đất canh tác đều chuyển sang trồng mía. Đời sống bà con trong bản không ngừng được nâng lên, đủ ăn, đủ mặc, nuôi con học hành”.

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, tại một số địa phương, cây mía đã vô tình trở thành thước đo để đánh giá sự giàu sang hay nghèo khó của các hộ dân tại một số vùng. Cũng chính bởi đó đã tạo nên không khí thi đua mở rộng diện tích cây trồng, phát triển kinh tế tại các vùng quê xưa nay vốn nghèo khó.

Theo số liệu thống kê của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, diện tích mía trên địa bàn không ngừng được mở rộng từ 1.050ha năm 2000 lên đến 32,1 nghìn ha năm 2015. Đặc biệt, sau khi tỉnh ban hành Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND và Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Cùng với việc vận động nông dân đổi điền, dồn thửa, khuyến kích tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường đầu tư thâm canh mía.

Các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đối cơ cấu cây trồng linh hoạt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập. Những khu đất đồi có độ dốc trên 15 độ trước đây chủ yếu trồng cây hoa màu và cây lâm nghiệp sẽ được ưu tiên chuyển đổi sang trồng mía và ngược lại, diện tích bằng phẳng ưu tiên cho trồng rau, màu.

Nhờ vậy đưa Thanh Hóa vươn lên đứng đầu cả nước về sản xuất mía đường, trong đó diện tích mía chiếm 11,3%, sản lượng mía khoảng 10,8% của cả nước. Giai đoạn 2011-2017, diện tích mía hàng năm đạt bình quân trên 30.500 ha, năng suất bình quân năm đạt 58,2 tấn/ha.

Gánh nặng khi cây mía hết thời hoàng kim

Trải qua hàng chục năm phát triển, cây mía đã dần đánh mất đi vị thế dẫn đầu của mình trong quá trình tạo ra giá trị kinh tế do không thể cạnh tranh với các cây trồng khác, lợi nhuận sản xuất mía thấp. Từ đó, diện tích trồng mía cũng không ngừng giảm sâu.

mia-duong-3-1710851172.jpg
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, một số vùng trồng mía tại Thanh Hóa đã ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất.

Ngoài ra, hình thức sản xuất mía đường vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, quy mô sản xuất ở hộ gia đình là chủ yếu. Việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật thâm canh còn nhiều hạn chế. Công lao động ngày càng tăng trong khi chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ dẫn đến thiếu hụt lao động trong sản xuất mía nhất là giai đoạn thời vụ như trồng và thu hoạch mía.

Bà Lê Thị Hương, nguyên Giám đốc Nông trường Lê Đình Chinh (xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) người đã gắn bó với cây mía gần cả cuộc đời cho biết, trước đây xã Thăng Long được xem là “vựa mía” của huyện Nông Cống với diện tích khoảng 260ha (Nông trường Lê Đình Chinh quản lý 200ha).

Đến nay, diện tích mía toàn xã đã giảm rất mạnh và chỉ còn 68ha. Từ năm 2017 đến 2019, giá mía chỉ còn duy trì ở mức 750-800 nghìn đồng/tấn dẫn đến thua lỗ, khiến nhiều hộ chuyển đổi sang trồng sắn, keo, cà phê...

Theo số liệu thống kê của Chi cục trồng trọt, niên vụ 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.254,4ha mía chuyển sang cây trồng khác. Đến niên vụ 2023 - 2024 diện tích trồng mía tiếp tục giảm sâu, có tới 602ha diện tích mía chuyển sang cây trồng cây ăn quả, cây ngô và một số cây lâm nghiệp.

Diện tích và sản lượng mía liên tục giảm mạnh qua các năm, dẫn đến thực trạng các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất. Thậm chí một số nhà máy đã phải đóng cửa, kéo theo hàng nghìn lao động mất việc làm.

Ông Nguyễn Văn Đại, trú tại xã Thăng Long (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), từng là công nhân Nhà máy mía đường Nông Cống cho biết: “Nhà tôi có 2 vợ chồng đều làm công nhân tại nhà máy mía đường Nông Cống. Sau khi thiếu hụt nguyên liệu, sau nhiều lần đổi chủ, cuối cùng nhà máy đóng cửa, dẫn đến tôi và hàng trăm lao động bị mất việc làm nên rất khó khăn”.

Trước thực trạng trên, để tìm ra giải pháp nhằm giữ lại diện tích trồng mía, các cơ quan chức năng cùng đã cùng với doanh nghiệp đã cùng nhau đưa ra nhiều giải pháp như chính sách hỗ trợ, tìm kiếm, lai tạo nguồn giống mới đem lại năng xuất, hiệu quả cao hơn.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, nông dân bỏ nghề mía khiến diện tích và sản lượng lượng mía sụt giảm. Nhiều nhà máy đường lao đao, thậm chí làm ăn thua lỗ hoặc đóng cửa.

Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã đưa ra giải pháp tái cơ cấu giống mía bằng việc áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, chọn tạo, phục tráng các giống mía chất lượng cao nhằm tăng năng suất. Ngoài ra, để khuyến khích người trồng mía, doanh nghiệp đã tiến hành trợ giá, giống, cải tạo đất, phân bón cho bà con trồng mía. Đồng thời, thu mua mía nguyên liệu cao hơn so với các nhà máy chế biến khác.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để phục hồi vùng nguyên liệu mía bền vững, tỉnh tiếp tục cơ cấu các loại giống mía có năng suất cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Đối với các nhà máy tiếp tục tăng cường công tác quản lý phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng, khuyến khích có cơ chế chính sách đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất.

Trước thực trạng như hiện nay, để khôi phục lại thời hoàng kim của mía đường là điều vô cùng gian nan, khi sản xuất vẫn nằm trong tình trạng nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất còn ở mức hạn chế dẫn đến năng xuất, chất lượng chưa cao. Đó chính là nguyên nhân khiến diện tích mía đường tại Thanh Hóa liên tục thụt giảm trong những năm qua./.

Hà Khải