Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu

Để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò then chốt, nhất là khi nền nông nghiệp đang chú trọng tăng trưởng xanh.
ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-de-phat-trien-ben-vung-nganh-nong-nghiep-1724832584.jpg
Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng phát triển. Đến nay, cả nước có 49 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều DN có trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH Group (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Doveco (xuất khẩu nông sản chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân, Lộc Trời…

Trong hoạt động sản xuất, các DN này ứng dụng phổ biến các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, tự động hóa trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe, kiểm soát mọi hoạt động của cây trồng, vật nuôi. Việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, xử lý tự động hoặc sử dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, các thiết bị, quy trình công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc xin phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng thương phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí và công sức lao động của bà con nông dân.

Đơn cử như mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH được triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Tới nay đã vận hành 9 trang trại với gần 70.000 con bò sữa.

Trang trại của TH True Milk ứng dụng những công nghệ hàng đầu trong chăn nuôi bò sữa như: hệ thống quản lý đàn Afifarm - Israel tiên tiến nhất thế giới; quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước sạch của Hà Lan; quy trình, thiết bị xử lý nước thải và chất thải của Nhật Bản, Israel, Hà Lan; hệ thống vắt sữa tự động khép kín.

Sau hơn một thập kỷ phát triển, TH là niềm tự hào của người Việt khi thiết lập những thành tựu chưa từng có tiền lệ trong ngành sữa, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới với cụm trang trại công nghệ cao khép kín đạt kỷ lục lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, theo GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ và manh mún, chuỗi giá trị nông sản chưa được phát triển bền vững, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp. Mặc dù có một số doanh nghiệp đã áp dụng được công nghệ của nền nông nghiệp thông minh, nhưng hầu hết các công nghệ này là nhập khẩu, ít có sản phẩm công nghệ được sản xuất tại Việt Nam. Từ đó dẫn tới sức cạnh tranh của nông nghiệp thấp, chuỗi giá trị thực phẩm nông sản chưa phát triển.

8537-1724818982-1200x0-1724832584.jpg
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico Nguyễn Thị Thành Thực.

Đánh giá cao vai trò của công nghệ trong phát triển nông nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico Nguyễn Thị Thành Thực  khẳng định: Ứng dụng công nghệ giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp nông dân, Hợp tác xã (HTX) kết nối nhanh hơn, trực quan hơn và xóa nhòa khoảng cách.

Dẫn chứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết người dân hiện sản xuất sầu riêng phần lớn theo quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, ghi chép thủ công hoặc không ghi chép. Người dân cũng chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thường chủ hộ sẽ truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm tích lũy được theo cách truyền miệng.

Đặc biệt, hiện nay chưa có nhiều phần mềm dành cho các nông hộ nói chung, HTX nói riêng. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều nông hộ có mong muốn học tập và thay đổi cách quản lý sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin

Nhận thấy điều này, Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico đã đẩy mạnh nghiên cứu hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất sầu riêng như ứng dụng phần mềm kế toán, phần mềm truy xuất nguồn gốc, trang web, các trang mạng xã hội để quảng bá, khẳng định chất lượng sầu riêng và kết nối khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ vào quản lý tài sản, làm nhật ký điện tử… giúp liên kết chuỗi thuận lợi, giúp người trồng sầu riêng sản xuất và quản lý quy trình chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh.

Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và liên kết chuỗi là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng nói riêng và các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Mỹ, cố vấn HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Bình (Hiệp Hòa, Bắc Giang), cho rằng để phát triển được chuỗi giá trị và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, các HTX cần chuyển từ vận hành sản xuất theo hướng “trọng cung” sang sản xuất theo hướng “trọng cầu”. Vì cùng một sản phẩm nhưng nhu cầu người tiêu dùng ở mỗi địa phương lại có sự khác nhau về mùi, vị, hình thức...

Song song đó, HTX cần quan tâm đến phát triển thị trường, đặc biệt là chú trọng đến thị trường trong nước với tầng lớp trung lưu lên đến cả chục triệu người. Nếu nhiều HTX cùng làm được điều này sẽ dần hình thành văn hóa: Nông sản nào ngon, quý, chất lượng nhất thì ưu tiên để dân trong nước tiêu dùng, sau đó mới hướng đến xuất khẩu. Để làm được điều này, HTX cần định hướng rõ sản phẩm đặc sản vùng miền, ưu tiên chế biến sâu và quảng bá sản phẩm trên mọi nền tảng (đặc biệt là trên truyền hình và mạng xã hội, hội chợ...) để thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng./.

Hương Lan